Đạo diễn Bảo Nguyễn: Muốn điện ảnh phát triển thì phải mạo hiểm!

Dương Vân Anh (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)-Thứ năm, ngày 09/07/2015 10:30 GMT+7

VTV.vn - Sinh năm 1983 tại Mỹ, Bảo Nguyễn vừa trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên có tác phẩm được chiếu mở màn tại Tribeca - LHP độc lập thuộc hàng danh giá nhất ở Mỹ.

Bộ phim của Bảo Nguyễn được chiếu mở màn tại Tribeca là bộ phim tài liệu dài Live From New York!. Bộ phim này được chiếu thương mại ở Mỹ từ 12/6. 

Trước đó, Bảo đã trải qua nhiều vị trí khác nhau trong các đoàn làm phim, trong đó có vị trí đạo diễn hình ảnh cho bộ phim Saigon Yo! của đạo diễn Stephane Gauger, bộ phim giành được ba giải thưởng tại các LHP dành cho người châu Á tại Mỹ và giải Cánh diều bạc năm 2012 tại Việt Nam. Cũng với Saigon Yo!, Bảo Nguyễn đã quyết định trở về Việt Nam sống, gắn sự nghiệp của mình tại quê hương. Anh đang thực hiện bộ phim ngắn cho dự án Wildfest nhằm chống tiêu thụ và sử dụng sừng tê giác với mong muốn góp một tiếng nói có ích cho cộng đồng.

Không hạnh phúc nếu chỉ làm theo lời cha mẹ

Tôi rất thắc mắc lý do anh đột ngột chuyển từ ngành Quan hệ quốc tế ở Đại học New York sang học quay phim. Anh có thể nói về điều này chứ?

- Khi còn nhỏ, tôi thích vẽ, thích tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Nhưng vì sinh ra trong một gia đình người Việt nên tôi không nghĩ mình sẽ theo đuổi nghệ thuật trong tương lai, tôi lo gia đình sẽ không cho phép. Tuy chưa bao giờ hỏi nhưng tôi biết bố mẹ sẽ phản ứng như thế nào với điều đó. Ban đầu tôi muốn làm bác sĩ nhưng thấy mình không giỏi về khoa học nên đã chuyển sang học để trở thành luật sư.

Chân dung Bảo Nguyễn.

Chân dung Bảo Nguyễn.

Vậy từ khi nào anh quyết định “cãi” lại cha mẹ?

- Tôi đi học theo mong muốn của ba mẹ nhưng luôn biết mình sẽ không hạnh phúc nếu chỉ làm luật sư. Đến một lúc nào đó, tôi hiểu rằng mình muốn hạnh phúc thì không thể chỉ làm theo ba mẹ mà phải làm điều mình muốn. Vậy là tôi bắt đầu làm những bộ phim tài liệu.

Ba mẹ anh phản ứng thế nào với quyết định của anh?

- Khi Live From New York! ra mắt ở New York với sự chứng kiến của hơn 3.000 người trong đó có ba mẹ tôi, tôi hạnh phúc và thấy mình đã thành công.

Xin hỏi anh, có phải hầu hết những người gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai tại Mỹ như anh thường phải chịu áp lực từ bố mẹ với nghề nghiệp, và bác sĩ, luật sư là loại nghề nghiệp phổ biến mà những người Việt di cư qua Mỹ thường chọn cho con cái mình?

- Không phải chỉ thế hệ người Việt thứ hai ở Mỹ mới chịu áp lực đó mà bất cứ người thuộc dân tộc nào di cư đến Mỹ cũng có áp lực đó. Bởi vì cuộc sống của hầu hết những người nhập cư ở Mỹ đều khó khăn. Tôi nghĩ rằng vì lý do đó mà các ông bố bà mẹ tạo ra áp lực cho con cái mình cũng vì mong con cái được hạnh phúc, đủ đầy. Họ luôn muốn các con được giáo dục tốt, học cao để sau này có thu nhập cao. Bác sĩ và luật sư là hai nghề đáp ứng được mong muốn đó. Tuy nhiên, ba mẹ tôi lo lắng cho tôi nếu tôi theo đuổi nghệ thuật làm phim bởi đó cũng là một ngành nghề khá vất vả. Tôi cần phải cố gắng để ba mẹ thấy mình làm việc chăm chỉ và mình hạnh phúc với điều đó.

Thời gian gần đây, rất nhiều Việt kiều làm phim đã trở về quê hương. Anh cũng là một trong số đó. Phải chăng anh cũng về Việt Nam với cùng lý do như họ?

- Tôi nghĩ đó là lý do dễ hiểu. Trong ngành sản xuất phim ở Mỹ, hầu hết những người châu Á đều gặp rất nhiều khó khăn để tìm được chỗ đứng cho mình, cũng như tìm chỗ đứng trong cộng đồng đó. Trong khi về Việt Nam, mình đã là một phần của cộng đồng này, tuy vẫn có một số những khó khăn nhất định.

Ngoài ra, tôi còn một lý do khác nữa. Lần đầu tiên tôi về Việt Nam là năm tôi lên 9 (1994), về quê ba tôi ở Quảng Trị, một ngôi làng nhỏ. Có một người mang ti-vi để trước nhà, mọi người trong làng tập trung đến xem một bộ phim. Cảm giác như đó là một rạp chiếu phim vậy, nó làm nảy sinh trong tôi mối liên hệ rất chặt với Việt Nam. Trong tương lai tôi muốn tái tạo lại cảm giác đó. Cảm giác về sự kết nối với nền văn hóa và con người.

Sau đó 3 năm tôi lại về lần nữa. Những chuyến đi đó giúp tôi hiểu rõ hơn về con người, cuộc sống ở đây, cho tôi những kinh nghiệm làm việc với mọi người nhưng tôi cũng nhận thấy mối liên hệ với Việt Nam trong tôi chưa đủ mạnh. Vì vậy tôi muốn về để trở thành một phần của nền văn hóa này.

Bảo Nguyễn trả lời phỏng vấn của báo giới tại thảm đỏ LHP Tribeca.

Bảo Nguyễn trả lời phỏng vấn của báo giới tại thảm đỏ LHP Tribeca.

Ở Mỹ cũng không có nhiều cơ hội cho phim tài liệu

Anh thấy đấy, ở Việt Nam không có rạp cho phim tài liệu. Anh nghĩ thế nào về điều này khi phim tài liệu là thể loại mà anh theo đuổi?

- Tôi đã xem Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ở rạp.

Đó chỉ là một trường hợp cá biệt.

- Tôi thấy đó là một ví dụ tốt về vấn đề khán giả và rạp cho phim tài liệu ở Việt Nam.

Ngoài Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, anh đã xem những phim tài liệu nào khác của Việt Nam? Anh chú ý phim nào nhất?

- Khó để tôi có thể xem được những phim tài liệu do người Việt Nam làm. Ở các LHP tài liệu lớn tôi không hề thấy có phim Việt Nam. Tôi cũng biết là phim tài liệu Việt Nam thường được chiếu trên ti-vi nhưng hơi khó để xem vì mỗi lần mở ti-vi tôi chỉ thấy phim truyền hình, game show…, phải canh giờ mới xem được mà tôi thì quá bận. Nói chung tôi xem được ít phim tài liệu Việt Nam lắm, đó là phim của nhóm Hà Nội Doclap hay của sinh viên trường điện ảnh làm. Nhưng đã xem thì thấy những câu chuyện trong phim rất giàu có.

Anh dự định sẽ làm thế nào để theo đuổi con đường của anh ở đây, một nơi rất ít chỗ cho phim tài liệu?

- Không chỉ Việt Nam mà ở Mỹ, phim tài liệu cũng khó kiếm lợi nhuận. Tôi xác định làm phim tài liệu để kể câu chuyện mình muốn, đem nó đi chiếu ở nhiều nơi trên thế giới kiếm lợi nhuận để có thể chiếu ở Việt Nam mà không cần lợi nhuận. Ngoài ra tôi sẽ làm phim điện ảnh để kiếm tiền làm phim tài liệu. Tôi sẽ cố gắng tạo ra mối quan hệ qua lại giữa phim tài liệu với phim hư cấu để cân đối vấn đề tiền. Hiện tôi đang làm một phim điện ảnh ở Việt Nam, và việc làm phim tài liệu đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong dự án này.

Anh còn chưa nói được tiếng Việt nhiều. Anh sẽ viết câu chuyện của phim như thế nào với vốn từ ít ỏi đó. Anh có biết những trường hợp Việt kiều làm phim viết thoại mà khiến khán giả trong nước ôm bụng cười những lúc nhân vật đau khổ không?

- Tôi ở Việt Nam đã 4 năm, tôi về hẳn đây sống để hiểu những cuộc sống ở đây hơn. Có những người nói chỉ cần 2 tháng là đủ hiểu để viết kịch bản và làm phim, nhưng tôi không nghĩ thế, tôi nghĩ mình phải sống ở đây thì mới đủ. Giờ tôi đang cố gắng học tiếng Việt, nói tiếng Việt. Tôi may mắn có bạn gái sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên cùng với cô ấy, tôi được tiếp xúc với những nhóm bạn khác ngoài cộng đồng mà tôi vẫn bó hẹp trong đó, tôi như bước ra khỏi thế giới của mình, hòa vào thế giới khác, để đi chơi, đi ăn cùng họ, từ đó thấy được những mặt khác của người Sài Gòn. Điều đó giúp ích cho tôi rất nhiều khi làm phim.

Được biết bạn gái của anh là ca sĩ Suboi, bản thân cô ấy có giúp gì anh trong việc học tiếng Việt không?

- Suboi luôn cố rèn tiếng Anh còn tôi thì muốn rèn tiếng Việt với cô ấy nên thường thường hai việc rèn luyện đó va chạm với nhau nên không hiệu quả lắm. (Cười).

Câu chuyện trong bộ phim mà anh đang ấp ủ là gì?

- Là câu chuyện về Sài Gòn. Tôi cảm nhận được cuộc sống ở Sài Gòn sôi động, đầy sức trẻ vì Việt Nam trẻ và đang phát triển. Nếu so sánh với New York, nơi tôi đã sống nhiều năm thì tôi thấy Sài Gòn cũng tràn đầy sinh lực không khác gì New York. Tôi thấy trong các tác phẩm điện ảnh, Sài Gòn thường chỉ là bối cảnh chứ chưa là một nhân vật đầy sức sống thực sự. Tôi muốn Sài Gòn khác như vậy, một Sài Gòn đã Tây hóa một chút như thực tế hiện nay.

Có một chuyện, khi đi du lịch khắp nơi, mọi người hỏi tôi sống ở đâu, tôi nói tôi sống ở Sài Gòn thì họ nghĩ Việt Nam hay Sài Gòn chỉ có đồng lúa. Hay ngược lại, nhiều bộ phim chỉ cho khán giả thấy Sài Gòn bóng loáng với nhà hàng, khách sạn, cao ốc như Bitexco. Tôi muốn cho khán giả thấy Sài Gòn đa dạng hơn, có những con hẻm nhỏ.

Nhưng tôi thấy anh không thích cà phê sữa đá, một món thức uống đặc trưng của Sài Gòn. Nếu muốn hòa mình vào Sài Gòn thì cũng nên thưởng thức món này cho đúng điệu của dân Sài Gòn chứ?

- Tôi không thích cà phê sữa đá vì ở Mỹ, từ khi còn nhỏ đã thấy ba mẹ tôi uống nó suốt ngày nhưng họ không bao giờ cho tôi uống. Hồi đó tôi chỉ chờ ba mẹ uống xong bỏ ly đó đi ra khỏi phòng là tôi chạy tới uống hết phần còn lại trong ly. Suốt tuổi thơ tôi đã thưởng thức món cà phê sữa đá theo cách thức như vậy rồi nên bây giờ tôi không thích uống nữa. Mặt khác tôi cũng ngại thức uống này có nhiều đường. (Cười).

Cùng 2 nhà sản xuất của bộ phim Live From New York!.

Cùng 2 nhà sản xuất của bộ phim Live From New York!.

Muốn điện ảnh phát triển thì phải mạo hiểm

Anh nhận xét thế nào về thị trường phim Việt Nam hiện nay?

- Tôi thấy phim ở rạp hầu như toàn phim thương mại, còn những bộ phim nghệ thuật thì chỉ chiếu ở LHP. Hầu như không có loại phim ở khoảng giữa của 2 thể loại này.

Tôi thích phim hài vì sự hài hước mang mọi người đến gần nhau hơn nhưng một nền điện ảnh chỉ cho ra toàn phim hài thì không thể phát triển được. Phải làm những bộ phim thể loại khác, kể cả những phim có màu sắc đen tối hơn. Như thế mới phát triển được.

Điều đó ai cũng thấy nhưng người làm phim thì hầu như phải chạy theo khán giả nếu muốn doanh thu đảm bảo.

- Tôi hiểu rất rõ điều đó nhưng muốn thay đổi thì không gì khác hơn phải mạo hiểm. Phải có một phim không an toàn như thường thấy là phim tạo ra lợi nhuận để khán giả và nhà đầu tư đều thấy được tiềm năng.

Anh có định mạo hiểm không?

- Tôi muốn làm một phim như thế và cũng muốn người khác cũng làm như tôi. Sự mạo hiểm ở đây phải được cả nhà sản xuất, phát hành và tất cả mọi người cùng chia sẻ để tạo ra một tác phẩm dung hòa được tính giải trí, thương mại với nghệ thuật. Có thế mới thúc đẩy được điện ảnh phát triển.

Tại sao anh nhận lời làm phim cho chiến dịch chống tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam trong khi anh còn thừa nhận anh chưa hiểu gì nhiều về con người nơi đây?

- Tôi chưa có nhiều trải nghiệm, tiếp xúc với những người tiêu thụ sừng tê giác nhưng nếu đi theo hướng đó thì sẽ là dạng phim tuyên truyền cổ động để khuyên người ta không nên làm gì đó. Tôi muốn đi theo hướng khác. Tôi đang trong quá trình tìm hiểu và thấy rất phức tạp. Năm ngoái tôi đi Nam Phi và trải qua nhiều chuyện buồn, thậm chí tê giác bị cắt sừng để tránh bị giết. Tôi thấy mình được truyền cảm hứng nên nhận lời và tôi đang tìm cách đưa ra một cái nhìn để làm một bộ phim từ trải nghiệm của chính cá nhân tôi.

Cảm ơn anh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước