Những cảnh quay “quá ảo” trong series phim Fast & Furious

Phi Long (Dịch)-Thứ ba, ngày 21/04/2015 17:22 GMT+7

Series phim Fast & Furious gây ấn tượng với những cảnh quay mạo hiểm ngoạn mục

VTV.vn - Liệu rằng những cảnh quay đầy ấn tượng trong series phim Fast & Furious có thể thực hiện được ngoài đời thực?

Dòng phim Fast & Furious và đặc biệt là phần mới nhất Furious 7 vừa được chiếu tại các rạp đã thu hút người xem trên toàn thế giới nhờ những chiếc xe với thiết kế “hầm hố”, những pha drift đầy ấn tượng, những màn đua tốc độ đầy cam go và đặc biệt là những cảnh quay mạo hiểm đến nghẹt thở.

Tuy nhiên, chính những cảnh quay đầy nguy hiểm này khiến người xem đôi khi thắc mắc rằng liệu con người có thể thực hiện được những pha biểu diễn quá “ảo” như vậy ngoài đời thực? Dưới đây là những chia sẻ của Todd Hovsepian - một chuyên gia trong lĩnh vực đua xe và “độ” xe - về những pha mạo hiểm trong series Fast & Furious:

1. Pha nhào lộn đầy ngoạn mục của chiếc Dodge

Phim: The Fast & The Furious (2001)

Cảnh quay: Brian (Walker) và Dom (Vin Diesel) đang giải quyết “ân oán” cá nhân bằng một cuộc đua đường phố. Họ đều sử dụng NOS để tăng tốc độ đến cực đại. Tuy nhiên, khi gần về đích, do bất ngờ bị một chiếc xe bán tải tông phải, chiếc Dodge Charger của Dom đã có một pha nhào lộn qua xe của Brian.

Tính khả thi: Todd Hovsepian cho biết dù động cơ có mã lực khỏe đến đâu, chiếc Dodge Charger của Dom không thể nhào lộn trên không trung lâu như vậy, thậm chí chiếc xe còn lộn một vòng qua đầu xe của Brian. Thực tế, chiếc xe chỉ có thể bị hất tung và nhào lộn một khoảng ngắn ngay trước chiếc xe bán tải. Mặc dù vậy, đây vẫn là một cảnh quay hết sức ấn tượng.

2. Màn bay qua cầu đầy ấn tượng của chiếc Nissan Skyline

Phim: 2 Fast 2 Furious (2003)

Cảnh quay: Trong cuộc đua đường phố tại Miami, Tej (Ludacris) đã dành cho các tay đua một món quà đầy “bất ngờ” bằng việc nâng chiếc cầu sắt lên. Để vượt qua thử thách này, Brian đã kích hoạt NOS nhằm tăng tốc chiếc Nissan Skyline bay qua khoảng không, vượt qua cả chiếc Toyota Supra của đối thủ và tiếp đất an toàn tại đầu bên kia của chiếc cầu.

Tính khả thi: Theo Todd Hovsepian, Nitrous Oxide Systems (NOS) là một cách rất đơn giản và hiệu quả để tăng một lượng lớn công suất cho động cơ xăng bất kỳ. Về cơ bản, bơm Nitro vào động cơ giúp tạo ra nhiều Oxy hơn trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, từ đó cho phép nạp vào nhiều nhiên liệu hơn, giúp tăng công suất động cơ lên rất nhiều. Việc sử dụng Nitro để tăng tốc xe trong một khoảng thời gian ngắn như trong cảnh quay là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, việc chiếc Nissan Skyline vẫn có thể được lái khi đang bay và tiếp đất an toàn thì có phần không khả thi.

3. Màn bay lên thuyền của chiếc Yenko Camaro

Phim: 2 Fast 2 Furious (2003)

Cảnh quay: Để bắt được tên trùm ma túy đang tẩu thoát trên một chiếc du thuyền, Brian và Roman (Tyrese Gibson) đã điều khiển chiếc Yenko Camaron phóng nhanh lấy đà từ trên bờ và “tiếp đất” hoàn hảo trên nóc chiếc du thuyền.

Tính khả thi: Todd Hovsepian hoàn toàn phủ nhận tính khả thi của cảnh quay này khi một chiếc xe có thể mua được tại bất cứ đâu với giá từ 150 - 250 nghìn USD có khả năng thực hiện một cú nhảy xa như vậy. Chuyên gia khẳng định việc “tiếp đất” chính xác ngay trên nóc một chiếc du thuyền đang di chuyển là một điều vô cùng khó khăn.

4. Pha thoát hiểm trong gang tấc của chiếc Buick Grand National

Phim: Fast & Furious (2009)

Cảnh quay: Vụ cướp xe chở nhiên liệu tại nước Cộng hòa Domican không thành công, dẫn đến việc Dom và Letty (Michelle Rodriguez) phải đối mặt chiếc xe đang rực cháy đang lao thẳng về phía hai người trong khi phía sau họ là vực thẳm. Để thoát thân, Doom đã chọn cách tính toán chính xác thời điểm để lách qua chiếc xe rực lửa đang lộn nhào về phía mình.

Tính khả thi: Theo Todd Hovsepian, chiếc Buick Grand National chỉ sở hữu động cơ V6 thay vì V8 như những gì người xem nghe được. Những điểm lớn mâu thuẫn trong cảnh quay này bao gồm: (A) vòng lăn của chiếc xe chở nhiên liệu đang bốc cháy là hoàn toàn ngẫu nhiên, không thể tính toán được và (B) Dom và Letty không thể sống sót khi có một chiếc xe chở đầy nhiên liệu đang bùng cháy và lăn rất nhanh tới phía họ.

5. Màn giải cứu tù nhân ngoạn mục

Phim: Fast Five (2011)

Cảnh quay: Brian và Mia (Jordana Brewster) cố gắng giải cứu Dom khi anh đang được đưa đến nhà tù trên chiếc xe bus T-boning. Brian đã lái chiếc xe Dodge Charger 440 R/T 1970 để cản chiếc xe bus, khiến chiếc xe này lộn nhào liên tục.

Tính khả thi: Cảnh quay thật sự rất ấn tượng, tuy nhiên Todd Hovsepian cho rằng chiếc xe của Brian đáng ra phải bị nghiền nát khi chặn chiếc xe bus. Thêm vào đó, chiếc xe bus T-boning chỉ có thể lăn một đoạn ngắn do quán tính thay vì nhào lộn liên tục như trong phim.

6. Cảnh chiếc Chevrolet Corvette lao ra khỏi xe lửa

Phim: Fast Five (2011)

Cảnh quay: Dom lái chiếc Chevrolet Corvette ra khỏi xe lửa đang di chuyển với tốc độ nhanh trong khi đang bị bắn, sau đó lái chiếc xe áp sát tàu hỏa để đón Brian trước khi chuyến tàu đâm vào cây cầu phía trước và nổ tung.

Tính khả thi: Todd Hovsepian thực sự “choáng ngợp” khi chiếc Chevrolet Corvette Grand Sport 1963 đẹp lộng lẫy này có thể tiếp đất hoàn toàn “lành lặn” sau khi Dom lái chiếc xe lao ra khỏi lỗ hổng trên đoàn tàu đang di chuyển với tốc độ cao. Bên cạnh đó, Brian có lẽ sở hữu “giác quan nhện” của Spiderman khi có thể “tiếp đất” hoàn hảo trên chiếc Chevrolet Corvette.

7. Màn gây náo loạn thành phố với két sắt khổng lồ

Phim: Fast Five (2011)

Cảnh quay: Brian và Dom đã đánh cắp chiếc két sắt khổng lồ chứa đầy tiền từ đồn cảnh sát. Họ đã sử dụng hai chiếc Dodge Charger để kéo két sắt trên khắp các đoạn đường của thành phố Rio de Janiero, phá hủy rất nhiều khu vực tại các khúc cua.

Tính khả thi: Về cơ bản, một chiếc Dodge Charge dù đã được nâng cấp động cơ, “độ” thêm công suất cũng chỉ có khả năng kéo được những vật có trọng tải nửa tấn. Trong khi đó, hai chiếc xe trong phim có thể kéo chiếc két sắt có khối lượng hơn chục tấn lao nhanh trên đường. Theo Todd Hovsepian, nếu tình huống xảy ra trong thực tế, hai chiếc xe này thậm chí còn khó có thể lăn bánh.

8. Pha lao xuyên vỏ máy bay đang bốc cháy để thoát thân

Phim: Fast & Furious 6 (2013)

Cảnh quay: Brian, Mia và một nhóm đuổi theo một chiếc máy bay đang chạy trốn. Khi máy bay bị đâm và bắt đầu bốc cháy, Dom đã lái chiếc xe lao xuyên qua lớp vỏ máy bay để thoát ra ngoài.

Tính khả thi: Theo Todd Hovsepian cho biết, đây là một chiếc máy bay quân sự của Nga, có tải trọng tối đa lên tới hơn 300 tấn, được thiết kế vô cùng chắc chắn với khung bằng thép. Do đó, không có khả năng chiếc Dodge Charger có thể đâm xuyên qua lớp vỏ máy bay. Thậm chí, nếu điều này xảy ra, Dom cũng không thể hoàn toàn vô sự trước sức nóng của chiếc máy bay đang bốc cháy.

9. Màn nhảy dù vô cùng ngoạn mục của những siêu xe

Phim: Furious 7 (2015)

Cảnh quay: Trong một nhiệm vụ giải cứu, Brian, Dom, Letty, Tej và Roman cho những chiếc xe của họ “nhảy dù” từ trên máy bay và hạ cánh hoàn hảo trên đường.

Tính khả thi: Đây có thể là một trong những cảnh quay “hư cấu” nhất của series phim Fast & Furious. Thực tế, những chiếc xe hoàn toàn có thể “nhảy dù” từ máy bay do những chiếc dù quân sự cỡ lớn được thiết kế vô cùng chắc chắn, có đủ khả năng chịu được trọng lượng của chiếc xe. Tuy nhiên, theo Todd Hovsepian, việc đoàn xe có thể hạ cánh chính xác trên đoạn đường chính mà không sứt mẻ một bộ phận nào là một điều hết sức phi lý bởi những chiếc xe không thể điều chỉnh theo ý muốn như người nhảy dù mà phải phục thuộc vào sức gió.

10. Cảnh thoát chết trong gang tấc của Brian

Phim: Furious 7 (2015)

Cảnh quay: Brian bị mắc kẹt trong chiếc xe bus đang sắp rơi xuống vực. Tuy nhiên, anh đã chui ra khỏi cửa trước của xe và chạy dọc theo chiều dài thân xe, ngược lại với hướng rơi của xe, nhảy lên cao và tóm chính xác vào phần đuôi của chiếc xe do Letty lái.

Tính khả thi: Theo Todd Hovsepian, Brian chỉ có thể làm được điều này nếu mọi yếu tố phải đồng loạt xảy ra một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, một nhà vật lý học đã từng phân tích cảnh quay này và cho rằng Brian chỉ có thể chạy dọc theo chiều dài của chiếc xe bus khi chiếc xe đang đứng im. Việc anh chạy ngược với hướng rơi của xe đủ nhanh để thoát khỏi chiếc xe là hoàn toàn phi vật lý. Đặc biệt, Brian không thể bật nhảy cao như vậy từ một chiếc xe đang rơi.

11. Màn xe bay xuyên giữa hai tòa nhà chọc trời của Dom

Phim: Furious 7 (2015)

Cảnh quay: Dom và Brian lái chiếc siêu xe Lykan với tốc độ tối đa lên tới 380 km/h, lao ra khỏi tòa nhà chọc trời. Nhờ lực đẩy từ vụ nổ của tên lửa bắn trúng phía sau xe, Dom và Brian đã có thể hạ cánh an toàn tại tòa nhà đối diện.

Tính khả thi: Đây là một trong những cảnh quay ấn tượng nhất trong Furious 7. Todd Hovsepian cho biết chiếc Lykan Hypersport có giá lên tới 3,4 triệu USD, được trang bị cụm đèn pha làm từ vàng trắng, kim cương và đá sapphire. Chiếc xe có thể đạt vận tốc lên tới 387 km/h, đủ để thực hiện một cú bay giữa hai tòa nhà chọc trời. Tuy nhiên, chiếc Lykan không được trang bị cánh để giữ thăng bằng và ổn định khi bay. Ngoài ra, do trọng lực và lực cản, chiếc xe sẽ bị chúc mũi xuống, khiến cho việc tiếp đất an toàn dường như là không thể.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước