"Phù thủy" cho phim Việt

Theo Nguyên Vân/Thanh Niên Online-Chủ nhật, ngày 05/04/2015 10:20 GMT+7

Tạo hình nhân vật bị phỏng trong phim "Kẻ thù giấu mặt" - Ảnh: đoàn phim cung cấp

Tham gia không biết bao nhiêu dự án điện ảnh nhưng hiếm khi nào tôi nhận được vé mời dự ra mắt phim”, NSƯT Trịnh Xuân Chính, bậc thầy về hóa trang của điện ảnh Việt Nam, tâm sự.

Hơn 5 năm trở về Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này, chuyên gia trang điểm Lilian Trần - người được cho là "phù thủy" của điện ảnh Việt - nhìn nhận: “Để kéo được khán giả đến rạp, các nhà làm phim phải đầu tư làm ra các sản phẩm tử tế, thuyết phục người xem. Vì vậy, tuy có sự hạn chế về chuyên môn do Việt Nam chưa có trường đào tạo hóa trang chuyên nghiệp theo quy chuẩn quốc tế nhưng ngành hóa trang đang chuyển mình theo sự phát triển của ngành công nghiệp phim ảnh”.

Sợ già hơn sợ ma

Những bộ phim gần đây của điện ảnh Việt đã xuất hiện những nhân vật gây ám ảnh nhờ hiệu quả của hóa trang. Có thể kể đến cô gái bị khâu miệng thả trôi sông của Mai Anh hay tên tướng một mắt với vết sẹo xuyên ngang và nụ cười trắng dã của Khương Ngọc trong Thiên mệnh anh hùng; chiếc mũi biến dạng trên khuôn mặt bê bết máu khi phẫu thuật của Trang Nhung trong Scandal - Hào quang trở lại... Ngoài ra, còn có hàng loạt “con ma” rất... khó quên trong các phim Đoạt hồn, Quả tim máu, Chung cư ma...

Mới đây, trang cá nhân của đạo diễn Phương Điền làm những người ghé thăm một phen hoảng hồn bởi tạo hình của diễn viên Kiều Minh Tuấn với khuôn mặt biến dạng. Phương Điền cho biết đang thực hiện phim truyền hình Kẻ thù giấu mặt và chia sẻ: "Chưa kể thời gian định trang trước đó, khi ra hiện trường, chuyên viên hóa trang Lê Thế Vinh phải “biến hóa” cho diễn viên hơn 1 tiếng để chỉ được lên phim trong… chớp nhoáng".

Diễn viên Ngô Thanh Vân, nhà sản xuất phim Tết 2015 Ngày nảy ngày nay, khi nói về hóa trang cho phim đã bày tỏ sự cảm thông: “Phần phục trang và hóa trang phải mất rất nhiều thời gian. Ví dụ như tạo hình Hắc Mộc Tinh rất phức tạp, phải mất 1 ngày cho ê-kíp đổ hợp chất polymer làm sừng, sau đó diễn viên Chí Bửu mất 3 tiếng mỗi ngày để đội sừng và hóa trang cả người”.

Lilian Trần hóa trang cho các nhân vật của mình - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong hóa trang, việc tạo hình nhân vật lịch sử và người già được người trong nghề cho là khó nhất. NSƯT Trịnh Xuân Chính, bậc thầy về hóa trang của Việt Nam, cho biết những học trò của ông khi hóa trang các dạng nhân vật này cũng như những hiệu ứng đặc biệt nói chung đều nhờ ông “cố vấn”. Đồng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng: “Tạo hình nhân vật ma quỷ hoặc biến dạng gương mặt thì chỉ cần làm khán giả thấy sợ là đã "ép phê" nhưng để biến một người từ 28 thành 82 tuổi cho thuyết phục người xem là điều không dễ”. Anh cũng cho rằng phim Việt lâu nay hiếm thấy nhân vật nào được “già hóa” mà tạo cảm giác thật. Do đó, để chuẩn bị cho phim Dạ cổ hoài lang sắp tới, Nguyễn Quang Dũng cho biết sẽ đầu tư nhiều thời gian cho khâu định trang và đang cân nhắc mời chuyên gia hóa trang của Mỹ.

Nhiều cơ hội để thể hiện tay nghề, nếu...

Theo NSƯT Trịnh Xuân Chính: “Một thực tế đáng buồn của nền điện ảnh Việt là sau gần 70 năm xây dựng và phát triển vẫn không có xưởng hóa trang chứ đừng nói tới trường đào tạo chuyên nghiệp”. Ông nói thêm: “Tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, chỉ có lớp duy nhất khóa 2006 - 2009 với 12 học trò được đào tạo chính thức, cho đến nay không có lớp hóa trang nào”. Ngoài khóa học này, hầu hết những chuyên viên hóa trang hiện nay của phim Việt đều xuất thân từ nghề trang điểm, theo đoàn làm phim rồi được nghề dạy nghề, như: Thanh Bình, Xuân Hồng, Hằng Nga, Thế Vinh... Vì vậy, dù về hưu hơn chục năm nay nhưng NSƯT Trịnh Xuân Chính vẫn thường nhận dạy thêm theo yêu cầu cá nhân, chủ yếu là phần nâng cao hiệu ứng đặc biệt (làm biến đổi toàn bộ diễn viên nhằm tạo hiệu ứng gây ấn tượng mạnh với người xem).

Hiện nay, chất liệu dùng cho hóa trang chủ yếu do các chuyên viên mua từ nước ngoài hoặc tự chế biến theo công thức của mình sau nhiều năm kinh nghiệm. Chuyên viên hóa trang Tony Nguyễn cho biết những chất liệu anh đặt hàng từ Mỹ sẽ được ưu tiên sử dụng cho phim điện ảnh. Còn với phim truyền hình, do các nhà sản xuất ít chú trọng khâu này nên không phải ai cũng chịu chi để có tạo hình phù hợp, hiệu quả. Đạo diễn Phương Điền thừa nhận: “Không phải nhà sản xuất nào cũng hiểu mức độ quan trọng của hóa trang. Khi họ thấy tốn thời gian và chi phí thì sẽ… đổi phương án”. Đây cũng là nỗi niềm của Lilian Trần: “Do phải tiết kiệm và xoay xở trong gói chi phí thấp nên sản phẩm không được hoàn thiện và tinh tế như bản thân người làm hóa trang mong muốn”.

Trong câu chuyện về “nỗi niềm hóa trang”, Lilian Trần từng “nhìn xa” ở giải Oscar để “hy vọng gần”: Điện ảnh Việt Nam sẽ có hạng mục giải thưởng cho lĩnh vực này.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước