Bức “Christina’s World” (Thế giới của Christina) do họa sĩ người Mỹ Andrew Wyeth vẽ năm 1948
Người phụ nữ quay lưng về phía người xem tranh và như đang nằm trên bãi cỏ có tên Anna Christina Olson, cô là hàng xóm của họa sĩ Andrew Wyeth.
Tuy bức tranh mang vẻ đẹp của quang cảnh miền quê, lại thêm vóc dáng mảnh mai khá đẹp của cô gái, nhưng bức tranh này kỳ thực không hề phản ánh sự lãng mạn trong thực tế. Cô Olson bị chứng rối loạn cơ vận động khiến cô chỉ có thể bò đi, họa sĩ Andrew Wyeth đã nhiều lần chứng kiến cô lê mình trên bãi cỏ của gia đình như thế này.
Bức “Judith Slaying Holofernes” (Judith giết Holofernes) do họa sĩ người Ý Artemisia Gentileschi vẽ năm 1610
Bị cưỡng bức năm 18 tuổi, nữ họa sĩ Artemisia Gentileschi đã trút những sự giận dữ, uất ức của mình vào các tác phẩm hội họa. Nhiều bức vẽ của nữ họa sĩ mang nội dung rất dữ dội.
Bức “American Gothic” do họa sĩ người Mỹ Grant Wood thực hiện hồi năm 1930
Bức tranh nổi tiếng nhất của Grant Wood chính là bức “American Gothic” khắc họa một người nông dân đang sống trong thời kỳ suy thoái và người vợ có khuôn mặt đầy tâm trạng của ông.
Grant Wood dự định để hai người xuất hiện trong tranh như cha và con gái, nhưng trong cảm nhận của nhiều người xem tranh họ lại thấy giống như vợ chồng, còn trong thực tế, đây là hai anh em. Người đàn ông trong tranh là bác sĩ nha khoa quen thuộc của họa sĩ - ông Byron McKeeby, xuất hiện cạnh ông là người em gái có tên Nan Wood Graham.
Bức “Girl With A Pearl Earring” (Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai) do họa sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer vẽ năm 1665
Rất ít thông tin được biết tới về cô gái trẻ xuất hiện trong bức tranh nổi tiếng của danh họa Johannes Vermeer. Người ta vẫn thường cho rằng cô gái xuất hiện trong bức tranh có thể là con gái hoặc người tình của họa sĩ Johannes Vermeer.
Nhưng không có bằng chứng nào khẳng định đích xác điều đó, bức tranh này có lẽ cũng không thực sự hướng tới việc khắc họa chân dung một con người cụ thể và chân thực. Phong cách ăn vận khác thường của người mẫu cho thấy bức tranh này được thực hiện như thể một bức chân dung lý tưởng hóa, mang nhiều nét lạ lùng đến từ trí tưởng tượng.
Bức “Portrait Of Madame X” (Chân dung quý bà X) do họa sĩ người Mỹ John Singer Sargent vẽ hồi năm 1883-1884
John Singer Sargent hy vọng rằng tác phẩm táo bạo này sẽ làm nên danh tiếng cho ông. Bức tranh khắc họa một người phụ nữ có tên Virginie Avegno Gautreau, bà là một phụ nữ Mỹ - vợ của một chủ ngân hàng người Pháp.
Khi bức tranh được trưng bày tại Paris hồi năm 1884, giới phê bình đã rất tức giận bởi bức tranh quá gợi cảm, táo bạo so với chuẩn mực thời bấy giờ, khi người xuất hiện trong tranh là một phu nhân giàu có.
Đối với chuẩn mực hội họa thời bấy giờ, người phụ nữ chỉ được phép khắc họa trong tranh chân dung với vẻ gợi cảm quá đỗi nếu đó là một nhân vật thần thoại, ngoài ra, người ta cũng có thể “dung thứ” nếu nhân vật ấy là một cô gái “bán hoa” nhận làm người mẫu cho họa sĩ.
Trong khi đó, nhân vật trong bức tranh này lại là một phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu ở Paris, cách khắc họa này bị xem là khó chấp nhận thời bấy giờ.
Bức “Ophelia” do họa sĩ người Anh John Everett Millais vẽ hồi năm 1851-1852
Họa sĩ John Everett Millais luôn vẽ chính những gì ông quan sát thấy trong đời sống, ông luôn đặt tiêu chí trung thực với nguyên bản trong sáng tạo hội họa. Khi khắc họa nàng Ophelia trong vở kịch “Hamlet” của Shakespeare, ông đã khắc họa các loại hoa cỏ được đại văn hào miêu tả trong tác phẩm của mình.
Đối với người mẫu 19 tuổi Elizabeth Siddall, họa sĩ yêu cầu cô nằm trong bồn tắm đầy nước đặt trong studio của ông ở London để khắc họa chân thực nhất về nhân vật.
Bức “Mona Lisa” do danh họa người Ý Leonardo Da Vinci vẽ năm 1503
Có rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra để giải thích về nụ cười bí ẩn của nàng. Một nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu Lumiere Technology (Pháp) hồi năm 2006 đã phát hiện ra rằng màu sơn ở phần môi của nàng Mona Lisa đã bay đi ít nhiều, khiến nụ cười của nàng bây giờ nhỏ hơn ban đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!