Theo dữ liệu do Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu mới công bố, tháng 9 vừa qua là tháng 9 nóng nhất, đưa năm 2023 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận.
Tháng 9 giống như tháng 7 nóng một cách bất thường, với nhiệt độ trung bình toàn cầu là 16.38 độ C (61.45 độ F), làm cho tháng này nóng hơn 0.93 độ C so với mức trung bình từ năm 1991 đến 2020, và nóng hơn 1.75 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 9 trong thời kỳ tiền công nghiệp, trước khi thế giới bắt đầu đốt cháy lượng lớn nhiên liệu hóa thạch. Con số này cao hơn nhiều so với ngưỡng 1,5 độ C mà các quốc gia đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu theo Thỏa thuận Khí hậu Paris.
Chỉ riêng tháng 9, biến đổi khí hậu đã gây ra lũ lụt tàn khốc khiến hàng nghìn người ở Libya và nhiều người khác tại Hy Lạp, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Canada cũng phải vật lộn với mùa cháy rừng chưa từng có. Nhiều nơi ở Nam Mỹ bị thiêu rụi bởi sức nóng. New York bị ngập bởi lượng mưa lũ kỷ lục.
Nhiệt độ mặt nước biển đại dương trung bình đạt 20,92 độ C (69,66 F), mức cao nhất được ghi nhận trong tháng 9 và cao thứ hai trong kỷ lục các tháng sau tháng 8 năm nay. Băng biển ở Nam Cực cũng đạt mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm.
Sắp tới, các quốc gia sẽ tập trung tại Dubai để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc vào tháng 12, nơi họ sẽ đánh giá tiến trình hướng tới các mục tiêu về khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!