Triệu chứng phổ biến nhất được biết đến của hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là không thể tập trung làm một việc. Việc xem xét những triệu chứng chung này một cách không kỹ lưỡng có thể dẫn đến chẩn đoán sai bệnh cho bệnh nhân, đặc biệt là khi tự chẩn đoán dựa theo thông tin trên mạng.
Tiến sĩ Lara Honos-Webb, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về ADHD, nói rằng một trong những khía cạnh quan trọng nhất của ADHD là người bệnh đã biểu hiện ra triệu chứng ngay từ khi còn nhỏ. Trong các trường hợp khác, chúng ta cũng không thể kết luận chắc chắn được rằng các triệu chứng như thiếu chú ý hoặc hiếu động thái quá có phải là do ADHD hay không. Cô khuyến khích mọi người nên đi chẩn đoán ADHD chính thức từ chuyên gia y tế, không nên tự chẩn đoán theo thông tin trên mạng.
Honos-Webb đã chia sẻ về ba dấu hiệu phổ biến đáng lưu ý của ADHD có thể giống với các chứng rối loạn khác, dẫn đến việc chẩn đoán sai hoặc không đầy đủ.
Thiếu chú ý
Honos-Webb cho biết, mất tập trung hoặc thiếu chú ý - một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ADHD - không thực sự chỉ có ở ADHD. Ví dụ, một người mắc chứng tự kỷ cũng có thể mất tập trung do bị phân tâm hoặc đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề. Ngoài ra, các chứng rối loạn cảm xúc khác như lo lắng, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực cũng có khả năng dẫn đến việc mất tập trung.
Tăng động
Theo DSM-5, tăng động là một triệu chứng chính khác của ADHD. Ở trẻ em dưới 16 tuổi, hành vi này có thể là chạy nhảy nhiều, đứng ngồi không yên hoặc nói quá nhiều. Tuy nhiên, Honos-Webb nói rằng sự hiếu động thái quá cũng là một triệu chứng của bệnh tự kỷ và những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực cũng có thể tỏ ra hiếu động thái quá.
Hay thay đổi
Honos-Webb cho biết một triệu chứng ADHD khác là tính hay thay đổi có thể trùng lặp với các chứng rối loạn khác như rối loạn nhân cách ranh giới (BPD). Sự thay đổi tâm trạng của những người mắc chứng BPD có thể giống với hành vi thất thường hoặc ngẫu hứng, tuy nhiên Honos-Webb cho biết có một số khác biệt giữa tính bốc đồng của BPD so với ADHD.
Cô cho biết, những người mắc chứng BPD thường trải qua các giai đoạn bị trầm cảm nặng nề. Ngoài ra, BPD giống như một chứng rối loạn trong mối quan hệ vì sự thay đổi tâm trạng có thể gây ra các vấn đề với người khác.
Honos-Webb cho biết thêm, tình trạng mắc nhiều chứng rối loạn cùng lúc hoàn toàn có thể xảy ra. Khoảng 50-70% người mắc chứng tự kỷ cũng mắc chứng ADHD. Một số bệnh nhân mắc ADHD cũng có thể mắc PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương), điều này làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Cô chia sẻ rằng người bệnh nên tới gặp chuyên gia y tế để tìm hiểu đầy đủ hơn về các triệu chứng của mình và cách giải quyết chúng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!