7 cách chấm dứt cơn ho đơn giản ngay tại nhà

Mai Linh (theo Insider)-Thứ năm, ngày 04/11/2021 10:26 GMT+7

(Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Cơn ho có thể được coi là một trong những chứng bệnh phổ biến nhất của bất kì ai trong khoảng thời gian giao mùa như thế này.

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể xảy ra khi có yếu tố gì đó kích thích cổ họng. Những cơn ho xuất hiện thỉnh thoảng là một hiện tượng khá bình thường, thậm chí còn đem lại những lợi ích như giúp cơ thể đào thải chất nhầy và những mảnh vụn tích tụ trong cổ họng. Tuy nhiên, ho kéo dài lại là một trong những chứng bệnh dai dẳng và khó chịu bậc nhất. Chúng có thể đến từ một số lí do như sau:

- Nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm phế quản, viêm xoang.

- Dị ứng.

- Bệnh hen suyễn.

- Các bệnh do virus như cảm lạnh hoặc cảm cúm.

- Kích ứng từ các nguồn gây hại như khói thuốc lá, chất ô nhiễm.

Nếu không may mắc phải tình trạng khó chịu này, bạn hãy thử 7 cách điều trị cơn ho ngay tại nhà sau.

1. Sử dụng mật ong

Mật ong là một loại nguyên liệu có độ nhớt cao. Khi được tiêu thụ, nó sẽ bao phủ niêm mạc cổ họng, làm giảm đau và ngứa ngáy. Bên cạnh đó, mật ong cũng có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn hiệu quả, từ đó ngăn ngừa các chứng nhiễm trùng và tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Để phát huy được tối đa hiệu quả trị ho, mật ong có thể được thêm vào nước ấm và sử dụng như một loại trà.

2. Súc miệng nước muối

Súc miệng nước muối có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn và làm lỏng chất nhầy trong cổ họng, từ đó thông xoang và khỏi ho nhanh hơn. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng mang khả năng giúp giảm sưng tấy và kích ứng do ho dai dẳng. Nước muối ấm và nước muối lạnh cho kết quả tương đương nhau trong quá trình trị ho.

3. Sử dụng gừng

Bên cạnh những chức năng nổi bật như trị chứng buồn nôn hay cảm lạnh, các hợp chất trong gừng cũng có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Đồng thời, do có vị cay, loại củ này còn giúp kích thích tiết nước bọt, từ đó cải thiện tình trạng khô miệng, khô cổ họng. Để tăng khả năng trị ho, bạn có thể thử sử dụng gừng kết hợp cùng mật ong và trà. Cần lưu ý rằng dù tương thích với đại đa số, gừng có thể không phải là loại thuốc ho lí tưởng với một số người nhất định.

4. Xông hơi nóng

Hơi nước nóng có thể làm ẩm cổ họng và giảm đau, đồng thời làm dịu chứng nghẹt mũi, giúp thải đi chất nhầy tích tụ trong cổ họng. Áp dụng phương pháp này theo cách đơn giản nhất, bạn có thể đun một nồi nước, đợi đến khi nó bắt đầu sinh hơi thì bắc xuống khỏi bếp. Sau đó, bạn hãy dùng một chiếc khăn mỏng, phủ lên đầu và hơ mặt dưới làn hơi nước, cần lưu ý không để mặt quá gần để tránh nguy cơ bỏng. Ngoài cách này, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để thay thế.

5. Sử dụng máy lọc không khí

Máy lọc không khí có tác dụng loại bỏ các chất gây dị ứng, hắt hơi và sổ mũi ra khỏi căn nhà của bạn, từ đó ngăn ngừa tình trạng ho kéo dài. Khi sử dụng thiết bị này, bạn cần chú ý vệ sinh máy thường xuyên để đảm bảo khả năng lọc tốt.

6. Sử dụng cỏ xạ hương

Cỏ xạ hương là loại thảo mộc có tác dụng làm dịu tình trạng co thắt cơ trơn, một trong những hệ quả mà cơn ho gây ra. Loại cỏ này có thể được sử dụng dưới dạng trà thảo mộc hay thuốc viên.

7. Uống đủ nước

Một trong những cách dễ nhất và an toàn nhất để cải thiện tình trạng ho là uống đủ nước. Phương pháp đơn giản này giúp làm loãng chất nhầy, từ đó đẩy nó thoát ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, uống đủ nước cũng có tác dụng cung cấp phần nước cơ thể bị thiếu do sổ mũi hoặc đổ mồ hôi.

Những dấu hiệu cho thấy bạn cần sự can thiệp của bác sĩ:

- Ho ra máu hoặc chất nhầy đổi màu

- Sốt kéo dài.

- Đau đầu kéo dài trong nhiều tuần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước