Trong chương trình chia sẻ trực tuyến "Năng lượng tích cực, chiến thắng đại dịch", với kinh nghiệm 14 năm trong ngành truyền thông công nghệ số, chị Trang Phạm (Vivian) đã truyền đi năng lượng tích cực của bản thân và giúp mọi người có định hướng để cùng vượt qua những khó khăn trong thời đại số 4.0. Với 20 buổi chia sẻ, chương trình đã tiếp cận đến gần 1.000 nhân viên chủ chốt của các công ty, các bạn sinh viên của các CLB các trường ĐH.
- Chào chị Trang, là một người luôn tất bận với công việc và gia đình nhưng chị lại luôn tràn đầy năng lượng tích cực và lan tỏa cho mọi người. Vậy đâu là bí quyết?
- Năng lượng tích cực không tự nhiên có, bạn phải biết cách tạo thói quen tốt. Trước đây khi còn trẻ, tôi trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Do đó tôi tập thói quen tốt cho bản thân, suy nghĩ tích cực hơn theo 7 cách: Yêu thương và trân trọng chính mình; hướng đến suy nghĩ lạc quan; dùng lời nói tích cực khi trò chuyện; mỉm cười để xua tan ưu phiền; bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng; đặt ra lý tưởng sống và mục tiêu sự nghiệp; rộng lượng hơn với bản thân và người xung quanh.
Buổi chia sẻ đầu tiên về “Năng lượng tích cực” với 45 bạn tham gia rất nhiệt tình và thảo luận sôi nổi, đã làm cho chị Vivian lấy cảm hứng và tiếp tục chia sẻ đến nhiều bạn hơn
Khi bắt đầu cảm thấy tích cực hơn, tôi đăng tải thông tin hữu ích, vui vẻ trên trang Facebook cá nhân để lan tỏa cảm hứng sống lạc quan cho mọi người. Nội dung thường xoay quanh chủ đề phối đồ, nấu ăn - thể hiện thói quen "yêu thương và trân trọng bản thân" "luôn mỉm cười"; có hôm tôi cùng con trai làm bếp, nấu món con thích - thể hiện thói quen "trân trọng những phút giây bên gia đình, bạn bè, người thân". Cả khi được bạn bè tặng hoa, món quà nho nhỏ, tôi cũng đăng lên như là lời cảm ơn gửi đến bạn - thể hiện thói quen "Bày tỏ lòng biết ơn".
- Vậy làm sao để luôn giữ được thái độ sống tích cực thưa chị, nhất là trong bối cảnh dịch COVID- 19, mỗi người đều có rất nhiều áp lực?
- Trong đại dịch, rất nhiều lo toan trong cuộc sống khởi phát. Bạn bè đồng nghiệp xung quanh tôi làm việc tại nhà, cũng có người đi cách ly… Cơ duyên tình cờ từ một người bạn, anh đã mời tôi chia sẻ các câu chuyện với nhân viên. Từ đó, tôi nghĩ đến chủ đề "Khởi tạo nguồn năng lượng tích cực".
Buổi chia sẻ đầu tiên về "Năng lượng tích cực" với 45 anh chị đồng nghiệp cũ, đối tác, các bạn sinh viên trẻ…Sau khi chia sẻ với 45 người trong đội ngũ nhân viên của anh bạn, tôi cảm nhận mọi người rất hào hứng vì những lời khuyên giúp họ trong cuộc sống và công việc. Tôi quyết định nhân rộng sự kiện và tính đến hiện tại, tôi đã chia sẻ được 17 buổi với gần 800 người tham dự.
Ngoài ra, tôi đã tổ chức hai buổi chia sẻ trên Onmic. Các buổi trò chuyện này được phát lại trên kênh YouTube cá nhân để mọi người tiện theo dõi.
Sau mỗi lần chia sẻ, tôi không chỉ truyền lửa cho các bạn mà còn học được nhiều kinh nghiệm, cách mọi người vượt qua suy nghĩ tiêu cực. Tôi nghĩ năng lượng tích cực như lực hấp dẫn. Nếu bạn lan toả năng lượng tốt thì sẽ nhận được năng lượng tốt và ngược lại.
- Vậy đâu là cách tốt nhất để ngăn chặn năng lượng tiêu cực len lỏi vào cuộc sống, thưa chị?
Thường mọi người nghĩ rằng năng lượng tích cực là một điều gì đó rất ghê gớm, và phải những người cực kì bản lĩnh mới có thể luôn luôn tích cực. Tuy nhiên, với từng thói quen nhỏ, chúng ta có thể làm được điều đó một cách dễ dàng. Và đôi khi việc lắng nghe bản thân, đi qua những tiêu cực và dần dần tạo những thói quen tích cực sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ và bản lĩnh hơn trong cuộc sống này.
- Thật ra ai cũng có lúc mệt mỏi, áp lực, đôi khi bực tức dẫn đến ức chế. Lúc ấy, nhiều người có thói quen đăng tải trạng thái chia sẻ cảm xúc tiêu cực, phàn nàn trên mạng xã hội. Làm như vậy có thể giải toả cho bản thân nhưng bạn bè và người quen có thể bị ảnh hưởng cảm xúc, cảm thấy mệt mỏi và không muốn tương tác với bạn.
Vì hiểu cảm giác đó nên tôi không than thở mà thích tạo niềm vui cho mình. Tôi chọn đăng những thông điệp tích cực, bạn bè vào bình luận lời vui thì bản thân thấy hết mệt mỏi. Chưa kể trong giai đoạn dịch bệnh, mọi người phải ở nhà, tôi chia sẻ những gì mình làm được, học được để có thể lan tỏa hạnh phúc và sự lạc quan.
- Từng đi cách ly 16 ngày vì vô tình trở thành F1, chị đã làm gì để giữ tinh thần luôn lạc quan?
- Ngày đầu tiên đặt chân vào khách sạn cách ly, tôi bật khóc. Có lẽ lúc ấy tôi thấy tủi thân, lo cho mẹ đang bệnh, lo cho chồng và con khi phải cách ly tại nhà. Sau khi định thần, tôi soạn vali và chuẩn bị danh sách việc cần làm trong những ngày đối mặt với "4 bức tường".
Lịch sinh hoạt của tôi cố định. Sáng thức dậy, tôi dọn dẹp lau phòng, sau đó luộc rau ăn sáng và bắt đầu ngày mới bằng cuộc gọi video cho cả nhà. Duy trì làm việc đến trưa thì bắt đầu tập thể dục khoảng một tiếng, gọi video hướng dẫn đồng nghiệp tập cùng, sau đó tắm và ăn trưa. Chiều tiếp tục hoàn thành công việc, dạy thêm buổi tối cho các bạn sinh viên môn Digital marketing ở học viện S.O.C. Dù dịch nhưng cô trò vẫn tham gia đầy đủ 4 buổi học trong tuần về Digital Marketing trên trình duyệt Zoom. Đôi lúc, tôi tham gia audio talkshow với các bạn cùng ngành để chia sẻ bí kíp mới.
Hôm nào không dạy thì tôi gọi video và ăn cơm với gia đình. Cuối ngày, tôi dành thời gian chăm sóc bản thân như ngồi thiền và chăm sóc da.
Những ngày cuối tuần, tôi tổ chức các buổi chia sẻ "Khởi tạo nguồn năng lượng tích cực" cho nhân viên các công ty. Mỗi hai tuần tôi lại mở ra một chủ đề thú vị để cả team cùng thảo luận, giúp nhau thêm năng lượng tích cực trong những ngày làm việc tại nhà. Lúc rảnh rỗi, tôi xem bộ phim mình yêu thích hoặc đặt món bên ngoài để tận hưởng.
Cứ thế, 16 ngày cách ly trôi qua nhanh, tôi thấy mình sống có ý nghĩa hơn, không bỏ lỡ phút giây nào. Tôi tâm niệm rằng, việc lắng nghe bản thân, giảm suy nghĩ tiêu cực và tạo thói quen tích cực giúp chúng ta bản lĩnh hơn khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
- Cám ơn những chia sẻ hữu ích của chị, và chúc cho chị sẽ lan truyền những năng lượng tích cực này thêm nhiều người nữa!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!