Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã thông báo rằng họ sẽ cho phép các nhà sản xuất sữa chua đưa vào nhãn thông tin rằng sản phẩm của họ có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường Loại 2. Thông tin này có trên vỏ hộp của tất cả các loại sữa chua: không béo hoặc đầy đủ chất béo, có hương vị hoặc đơn giản, chứa men vi sinh hoặc tự nhiên.
F.D.A. cho biết, họ đã tìm thấy "bằng chứng khoa học hạn chế" rằng tiêu thụ sữa chua có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2. Tiến sĩ Frank Hu, giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Harvard Chan cho biết, sữa chua có thể là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Có một số bằng chứng cho thấy những người ăn sữa chua thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn.
Tuy nhiên, bà Bonnie Liebman, Giám đốc dinh dưỡng của Trung tâm Khoa học vì lợi ích cộng đồng cho biết: "Người tiêu dùng có thể không nhận ra rằng, "bằng chứng hạn chế" có nghĩa là "bằng chứng không rõ ràng lắm".
Vậy thực chất, sữa chua đóng vai trò như thế nào đối với bệnh tiểu đường loại 2? Dưới đây là ý kiến của các nhà khoa học.
Bằng chứng về mối quan hệ giữa sữa chua và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2
F.D.A. đã trích dẫn 28 nghiên cứu khi xem xét bằng chứng về sữa chua và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2. Tiến sĩ Hu cho biết, nhìn chung, bằng chứng có phần hạn chế và không nhất quán: một số nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ nhiều sữa chua ít có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn, nhưng những nghiên cứu khác thì không.
Tiến sĩ Hu và các đồng nghiệp của ông đã thực hiện một số nghiên cứu lớn nhất được F.D.A tài trợ. Ví dụ, trong một bài báo năm 2014, họ đã xem xét ba nhóm người lớn ở Hoa Kỳ, tổng cộng gần 200.000 người. Họ phát hiện ra rằng những người tiêu thụ hai cốc sữa chua trở lên mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2 thấp hơn 12% so với những người hiếm khi ăn sữa chua.
Nhưng một nghiên cứu năm 2019 trên 7.633 phụ nữ ở Australia cũng như một số phụ nữ khác được đề cập trong đánh giá của F.D.A. lại không tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa việc ăn sữa chua và ngăn ngừa bệnh tiểu đường Loại 2.
Sữa chua luôn là một phần của chế độ ăn lành mạnh
Tất cả các nghiên cứu được trích dẫn bởi F.D.A. đều mang tính quan sát, nghĩa là các nhà nghiên cứu chủ yếu hỏi những người tham gia xem họ tiêu thụ bao nhiêu sữa chua và sau đó theo dõi xem họ có mắc bệnh tiểu đường theo thời gian hay không. Bà Liebman cho biết, những nghiên cứu như vậy không thể xác định liệu sữa chua có trực tiếp ngăn ngừa bệnh tiểu đường Loại 2 hay không, vì những người ăn sữa chua cũng có thể có những thói quen lành mạnh khác bảo vệ họ khỏi căn bệnh này. Tiến sĩ Hu cho biết, các nhà nghiên cứu cố gắng giải thích các yếu tố khác này bằng phương pháp thống kê, nhưng ông đồng ý rằng chúng có thể đóng một vai trò trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh ở những người ăn sữa chua.
Theo F.D.A., nhãn nên ghi rõ rằng "ăn sữa chua thường xuyên, ít nhất 2 cốc mỗi tuần có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2". Số lượng 2 cốc hàng tuần là mức tối thiểu cần thiết để thấy được lợi ích trong hai nghiên cứu mà cơ quan đã xem xét.
Theo F.D.A., ăn ít nhất hai cốc sữa chua mỗi tuần có thể làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường Loại 2
Tiến sĩ Hu cho biết, bất chấp những điều không chắc chắn, việc tiêu thụ sữa chua có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2 là hợp lý. Ông giải thích rằng, nó giàu protein, khoáng chất và vitamin. Và không giống như hầu hết các sản phẩm từ sữa khác, sữa chua thường chứa một lượng đáng kể vi khuẩn sống có thể làm giảm viêm và kháng insulin.
Tiến sĩ Meera Shah, bác sĩ nội tiết tại Phòng khám Mayo ở Rochester, cho biết, tuyên bố mới về sức khỏe có thể đóng vai trò như một lời nhắc nhở hữu ích cho mọi người rằng sữa chua có thể là một lựa chọn lành mạnh. Tuy nhiên, cô cho rằng, ăn hai cốc sữa chua mỗi tuần không có khả năng ngăn ngừa bệnh tiểu đường Loại 2, mà cần ăn số lượng nhiều hơn thế.
Những thực phẩm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2?
Tiến sĩ Hu cho biết, việc duy trì cân nặng khỏe mạnh và tuân theo chế độ ăn uống cân bằng tổng thể là điều quan trọng để ngăn ngừa bệnh tiểu đường Loại 2.
Có bằng chứng chắc chắn rằng tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường Loại 2. Chế độ ăn Địa Trung Hải là trong khẩu phần ăn sẽ tăng các thành phần có lợi cho sức khỏe như cá, rau, củ, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Giảm các thành phần như thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, đồ ngọt.
Chế độ ăn uống cân bằng là điều quan trọng để ngăn ngừa bệnh tiểu đường Loại 2
Tiến sĩ Shah cho biết, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống theo sở thích của mình bằng cách xây dựng bữa ăn xoay quanh các thành phần chính - ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, các loại đậu, quả hạch và hạt cũng như các nguồn chất béo lành mạnh như dầu ô liu và cá.
Tiến sĩ Hu cho biết thêm, uống cà phê cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2.
Ông nói, điều quan trọng không kém là hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường Loại 2, bao gồm đồ uống có đường, thịt chế biến sẵn và thực phẩm siêu chế biến.
Theo Tiến sĩ Hu, vài khẩu phần sữa chua mỗi tuần - đặc biệt là sữa chua nguyên chất không thêm đường, có thể được làm ngọt bằng trái cây tươi hoặc một chút mật ong - chắc chắn có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, "đó không phải là thần dược".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!