Bánh Tét Nam Bộ - Nét đẹp truyền thống

Theo BGĐ-Thứ ba, ngày 16/02/2010 11:43 GMT+7

Ngoài những món ăn quen thuộc như dưa chua, củ kiệu, thịt lợn kho trứng vịt, tôm khô, bánh mứt…cùng mâm ngũ quả ngày Tết, một trong những món đặc trưng không thể thiếu được trong dịp Tết của người dân Nam bộ là những đòn bánh Tét với đủ hương vị mặn, ngọt.

Khi những nụ mai vàng hé nở cũng là dấu hiệu của một mùa Xuân mới lại đến trên vùng đất Nam bộ. Lúc này, ở mỗi gia đình, nhà nhà đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đón chào một mùa Xuân mới. Ngoài những món ăn quen thuộc như dưa chua, củ kiệu, thịt lợn kho trứng vịt, tôm khô, bánh mứt…cùng mâm ngũ quả ngày Tết, một trong những món đặc trưng không thể thiếu được trong dịp Tết của người dân Nam bộ là những đòn bánh Tét với đủ hương vị mặn, ngọt.

Gói bánh Tét ăn Tết
Người dân ở Nam bộ gói bánh Tét từ rất sớm. Nếu gia đình nào chuyên nghề làm bánh Tét, họ sẽ gói bánh vào khoảng 26, 27 Tết Âm lịch để đến ngày 28, 29 Tết, bánh Tét đã có mặt ở khắp các chợ và cửa hàng phục vụ cho nhu cầu mua về hoặc tặng biếu bà con thân thuộc. Nhưng nếu nhà nào khéo tay và có thời gian, họ sẽ chuẩn bị gói và nấu bánh Tét trong hai ngày (29 và 30 Tết) để kịp bánh chín và đón giao thừa. Gói bánh Tét đã trở thành một tục lệ trong dịp Tết cổ truyền của người Nam bộ. Nếu như miền Bắc dùng bánh chưng - bánh dầy để dâng cúng tổ tiên thì ở miền Nam, người dân đặt một đôi bánh Tét cùng mâm ngũ quả lên bàn thờ tổ để tạ ơn và cầu chúc một năm mới nhiều may mắn.
Đa dạng các loại nhân bánh
Nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, Nam bộ trù phú với những cánh đồng lúa bạt ngàn. Sau mỗi mùa thu hoạch, ngoài lúa gạo, nếp cũng được lựa chọn lỹ lưỡng để làm bánh. Và nhất là vào dịp Tết, những hạt nếp thơm, tròn mũm mĩm qua bàn tay khéo léo của người Nam bộ đã tạo nên nhiều đòn bánh dài, đẹp, bên trong đủ các loại nhân như bánh Tét nhân đậu xanh, thịt; bánh Tét chuối; bánh Tét đậu đen - đậu phộng; bánh Tét dừa; bánh Tét nhân thập cẩm (trứng, tôm khô, lạp xưởng, đậu xanh)…
Sở dĩ có đủ các loại nhân khác nhau là do khẩu vị của từng địa phương và người dân làm bánh có sự sáng tạo cho hợp vị. Và cũng tuỳ địa phương mà bánh Tét mặn được gói với đậu xanh đãi vỏ để sống cùng thịt heo nửa nạc, nửa mỡ đã ướp sẵn. Khi bánh chín, thịt sẽ hoà vào đậu xanh, ăn có vị béo và bùi cùng với hương nếp thơm dẻo càng làm cho bánh tăng phần hấp dẫn. Nếu nhà nào hảo ngọt thì có thể làm bánh Tét nhân chuối (khi nấu chín, nhân có màu đỏ tím rất đẹp) hoặc bánh Tét đậu đỏ (đậu đỏ trộn lẫn vào nếp, bên trong nhân đậu xanh ngọt).
Thời gian nấu bánh Tét khoảng 6-7 tiếng nên đòi hỏi người canh bánh phải chịu khó (canh lượng lửa và nước thêm vào cho vừa đủ). Để bánh mau chín, lúc ngâm nếp người ta thường vắt thêm ít chanh hoặc ngâm nếp với nước khóm (dứa) vài ba giờ để nếp mềm nhanh hơn khi nấu. Muốn nếp được thơm người ta lấy lá dứa đâm nhuyễn, vắt lấy nước trộn đều với nếp.
Đây chính là những mẹo vặt hữu ích giúp cho việc làm bánh Tét thêm ngon. Vào những ngày Tết, khi dùng tiệc, bánh Tét được xắt ra từng khoanh mỏng. Nếu là bánh Tét mặn, có thể kèm với dưa món hoặc củ kiệu, thịt kho tàu sẽ ngon tuyệt. Ngoài ra, nhằm thay đổi khẩu vị, người dân Nam bộ còn dùng bánh Tét để chiên. Khi chiên lên, bánh Tét có màu vàng, giòn ăn cũng rất ngon.
Bánh Tét đã trở nên quen thuộc trong đời sống người dân Nam bộ và trở thành một nét đẹp truyền thống từ xưa đến nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước