Monju Bosatsu (tượng Văn Thù Bồ Tát) là một trong những pho tượng Phật nổi tiếng nằm tại ngôi đền cổ Hokkeji tại thành phố Nara, Nhật Bản.
Bên ngoài ngôi đền cổ Hokkeji tại thành phố Nara, Nhật Bản
Trước đó, các nhà khảo cổ đã nghi ngờ có những món đồ cổ nằm ẩn sâu trong lòng bức tượng. Cuối cùng, bí mật đã được phát hiện khi giới khảo cổ sử dụng phương pháp quét CT để kiểm tra. Họ bất ngờ thấy một kho tàng cổ vật gồm nhiều món đồ tạo tác, các cuộn giấy, nằm trong đầu và thân bức tượng. Tổng cộng có khoảng 180 món đồ được tìm thấy.
Giới chức địa phương tin rằng, những món đồ tạo tác không bị xáo trộn nhờ đặt bên trong bức tượng. Chúng được cho là đã nằm yên như thế trong suốt hàng trăm năm qua. Được biết, pho tượng Văn Thù Bồ Tát có niên đại khoảng 700 năm tuổi.
Nhờ công nghệ quét CT, các nhà khảo cổ bất ngờ phát hiện 180 món đồ cổ, đồ tạo tác đặt bên trong thân bức tượng
"Với những món đồ tạo tác bên trong, pho tượng rất đặc biệt. Khám phá mới này có giá trị về mặt lịch sử và là tài sản văn hóa", ông Shigeki Iwata, Giám đốc nghiên cứu đến từ bảo tàng quốc gia Nara, Nhật Bản, nhấn mạnh.
Pho tượng Phật cổ Văn Thù Bồ Tát là một pho tượng ngồi, với chiều cao 76cm. Trong Phật giáo, Văn Thù Bồ Tát là một trong tứ đại Bồ Tát, tượng trương cho trí tuệ. Hình tượng của Ngài thường được khắc họa với một tay cầm kiếm tượng trưng cho trí tuệ vô cùng sắc bén, một tay cầm cuốn kinh Phật, cưỡi trên mình sư tử. Tên tiếng Phạn của Văn Thù Bồ Tát là Manjusri.
Hình tượng Bồ Tát trong nền văn hóa Nhật Bản
Văn Thù Bồ Tát là một trong tứ đại Bồ Tát vĩ đại của văn hóa Trung Hoa. Hình ảnh của Ngài có tầm ảnh hưởng khắp châu Á, được mô tả trong nghệ thuật Nhật Bản, Tây Tạng, Nepal và Indonesia.
Được biết, bức tượng Văn Thù Bồ Tát chứa kho báu này được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Nara hết ngày 27/5 tới đây. Hiện chưa rõ các nhà chức trách có ý định lấy kho báu cổ vật bên trong pho tượng hay không.