Ca cấy ghép tử cung được thực hiện ở Gothenburg. (Ảnh: AP)
Một người phụ nữ 36 tuổi giấu tên người Thụy Điển đã sinh một bé trai sau khi được cấy ghép tử cung. Bé trai nặng 1,76kg và hiện cả hai mẹ và con đang trong điều kiện sức khỏe tốt.
Người phụ nữ này vốn có buồng trứng bình thường nhưng bẩm sinh đã không có tử cung. Đây là một căn bệnh hiếm gặp với tỷ lệ 1/4500. Cô đã được cấy ghép tử cung từ một người bạn thân. Một năm sau khi tiến hành cấy ghép tử cung, các bác sĩ đã đưa một phôi thai được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ trứng của người phụ nữ này với tinh trùng của chồng vào bên trong tử cung của người phụ nữ 36 tuổi này.
Mặc dù vẫn đang được tiếp tục thử nghiệm, phương pháp cấy ghép này đã mở ra một tia hy vọng cho hàng nghìn phụ nữ - những người không thể có con do tử cung bị ung thư hoặc không có tử cung bẩm sinh. Thành công này đánh dấu một bước đột phá trong lĩnh vực y tế và mở ra một tia hi vọng mới cho các gia đình hiếm muộn.
Bà Liza Johnnesson, bác sĩ phẫu thuật phụ khoa, nói: "Tôi nghĩ phương pháp có thể đem lại những tác động rất lớn bởi vì nó thực sự mang đến niềm hy vọng cho những phụ nữ và cả đàn ông – những người luôn nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ có con”.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép tử cung này cho biết sẽ còn mất nhiều năm nữa để các phẫu thuật cấy ghép tử cung được tiến hành thường xuyên hơn.
Ông Mats Brannstron, giáo sư, trưởng nhóm cấy ghép tử cung, cho biết: "Điều này còn phụ thuộc vào kết quả của các nghiên cứu sắp tới. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ còn mất nhiều năm nữa để cấy ghép tử cung trở thành phương pháp phẫu thuật phổ biến".
Trước đó, đã có 2 ca cấy ghép tử cung được thực hiện tại Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên không có trường hợp nào sinh con được. Đồng thời, nhiều chuyên gia còn lo ngại, việc cấy ghép tử cung sẽ gây tốn kém và nguy hiểm cũng như không đảm bảo tử cung cấy ghép có thể nuôi dưỡng bào thai.