Bí mật lỗ hổng tầng Ôzôn

Theo Dân trí-Thứ sáu, ngày 13/07/2018 22:32 GMT+7

VTV.vn - Các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra nguồn gốc của một hóa chất làm hổng tầng Ôzôn, đe dọa phá hủy môi trường.

Theo Cơ quan điều tra môi trường (EIA), hóa chất bí ẩn làm suy giảm ôzôn đang được các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất bất hợp pháp và dẫn đến sự gia tăng thải ra các khí hủy diệt.

Theo EIA, ít nhất 18 công ty đã sử dụng CFC-11, chất đã bị cấm trên toàn thế giới trong năm 2010, để tạo bọt cách nhiệt. EIA cho biết chất này đã dẫn đến “một tội phạm về môi trường trên quy mô lớn”.

Đầu năm nay, các nhà khoa học tiết lộ rằng đã có một sự gia tăng bí ẩn trong hóa chất này gây ra thiệt hại lớn cho tầng ôzôn. Vào thời điểm đó, họ suy đoán nó đến từ Đông Á - nhưng không thể tìm ra nguồn gốc.

Tầng ôzôn là trung tâm bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi bị bức xạ tia cực tím gây hại, nhưng đã bị tàn phá do ô nhiễm. Tầng ôzôn đã phần nào được phục hồi trở lại, nhưng sự gia tăng khí hủy diệt này có thể đe dọa sự cải thiện đó.

CFCs đã được sử dụng rộng rãi như chất làm lạnh và chất đẩy nhưng đã bị cấm theo Nghị định thư Montreal sau khi lỗ thủng ôzôn được phát hiện vào những năm 1980.

Lệnh cấm được ghi nhận với sự cải thiện đáng kể tầng ôzôn và được coi là một trong những chính sách môi trường thành công nhất trong lịch sử thế giới.

Tuy nhiên, một bài báo được công bố trên tạp chí Nature hai tháng trước, báo cáo sự gia tăng lượng khí thải CFC-11 đã chỉ ra những vi phạm Nghị định thư Montreal ở Đông Á.

EIA cho biết 18 công ty tại 10 tỉnh của Trung Quốc đã xác nhận rằng họ đang sử dụng CFC-11 như một tác nhân thổi để sản xuất bọt, được sử dụng để cách nhiệt các tòa nhà.

Alexander von Bismarck, giám đốc điều hành của EIA, cho biết: “Nếu Trung Quốc không ngừng việc sản xuất bất hợp pháp này, nó sẽ đẩy quá trình chữa lành tầng ôzôn vốn đã chậm rơi vào ngõ cụt. CFC-11 cũng là một chất siêu hâm nóng toàn cầu, làm cho nó trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khí hậu của chúng ta”.

Ông nói thêm: “Những gì chúng tôi phát hiện ra là một vấn đề mang tính hệ thống, chứ không phải sự cố đơn lẻ. Vì vậy, cần một cuộc điều tra toàn diện và các hình phạt cao hơn trong toàn bộ khu vực phù hợp với tội phạm này”.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước