Thể thao mang lại lợi ích to lớn cho trẻ em là điều chúng ta không bao giờ phải nghi ngờ. Các hoạt động thể thao rất tốt cho sức khỏe của bọn trẻ, nuôi dưỡng các kỹ năng xã hội và dạy những bài học cuộc sống quý giá về tinh thần đồng đội, khả năng lãnh đạo và tính kỷ luật.
Một nghiên cứu của Đại học Sydney thậm chí còn chỉ ra mối liên hệ giữa chơi thể thao và cải thiện thành tích học tập. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lợi thế này, chưa đến một nửa số trẻ em Úc dưới 15 tuổi tham gia các môn thể thao ngoài giờ học hàng tuần vào năm 2022.
Thu hút và duy trì sự hứng thú của trẻ với thể thao
Theo các chuyên gia, việc thu hút trẻ duy trì và tham gia thể thao là khá đơn giản. Nhà tâm lý học thể thao và tác giả của Good Sport, Tiến sĩ Jay-Lee Nair, cho biết nghiên cứu luôn cho thấy niềm vui là động lực mạnh mẽ nhất đối với các vận động viên trẻ.
Tiến sĩ Nair nói: "Niềm vui thể thao đã có sẵn đối với các vận động viên trẻ, vì vậy đây không phải là việc xây dựng nó. Câu hỏi chúng ta phải đặt ra là chúng ta, với tư cách là cha mẹ hoặc huấn luyện viên, đang làm gì để lấy đi niềm vui đó?".
"Câu trả lời là chúng ta làm nó quá quan trọng và tập trung vào kết quả" - cô nói tiếp - "Khi một đứa trẻ bắt đầu thi đấu môn thể thao của mình, cha mẹ và huấn luyện viên có niềm tin rằng để phát triển thành tích của trẻ, họ phải tập trung vào những sai sót và điều đó sẽ làm mất đi niềm vui của việc đó".
Làm thế nào để mang lại niềm vui cho thể thao cho con bạn?
Tiến sĩ Nair nói rằng các bậc cha mẹ cần tách biệt thành tích với các kết quả như chiến thắng, thành tích cá nhân, thời gian hoặc điểm số, huy chương hoặc thứ hạng.
Cô nói: "Nếu bạn tập trung vào kết quả mà bỏ qua mọi thứ khác, điều đó sẽ tạo ra rất nhiều áp lực tiêu cực cho một đứa trẻ. Hãy đặt những kỳ vọng cao đó vào các giá trị và thói quen như nỗ lực, nói chuyện tích cực, tập trung vào hiện tại, phản ứng tích cực trước sai lầm, ngôn ngữ cơ thể tự tin - những điều mà trẻ có thể tác động và kiểm soát - và chúng sẽ cảm thấy tự tin và có động lực với những điều này".
Trong khi đó, Richard cho biết một vấn đề phổ biến khác là các bậc cha mẹ cố gắng sống gián tiếp thông qua hành trình thể thao của con mình. Ông nói: "Sẽ tốt hơn nhiều nếu khuyến khích con bạn thử nhiều môn thể thao để chúng có thể tìm thấy môn chúng thích. Mục tiêu của bạn với tư cách là cha mẹ là đảm bảo trải nghiệm thể thao của con bạn là tích cực để chúng muốn tiếp tục tham gia".
Hãy quên đi kết quả
Tiến sĩ Nair đề nghị chuyển cuộc trò chuyện ra khỏi kết quả của trận đấu. Cô nói: "Thật không may, tôi thấy rất nhiều phụ huynh tập trung vào đối thủ trước trận đấu và nói những câu như: "Con nên đánh bại người hoặc đội này". Điều đó có thể tạo ra rất nhiều lo lắng vì về cơ bản điều đó có nghĩa bọn trẻ được thông báo rằng chúng phải thắng".
Theo Nair, thay vào việc nói những điều áp lực đó, hãy nói về việc trẻ muốn cảm thấy thế nào và những điều trẻ có thể kiểm soát.
"Điều quan trọng, đặc biệt đối với các vận động viên tuổi teen, là để họ cảm nhận được sự ủng hộ và đồng cảm của bạn".
Tránh phản hồi trong khi chơi
Khi đến lúc quyết đấu, im lặng là vàng. Tiến sĩ Nair nói: "Nghiên cứu của tôi cho tôi biết rằng trẻ em không muốn bất kỳ phản hồi bằng lời nói nào trong suốt trò chơi - chúng muốn sự khuyến khích và hỗ trợ trong im lặng của bạn".
"Chúng đã có huấn luyện viên nói với chúng mọi điều rồi; bạn thêm vào nó chỉ gây nhầm lẫn và sẽ phá hủy sự tập trung của trẻ mà thôi".
Khen ngợi hành vi tích cực hoặc kỹ năng cụ thể
Sau khi trò chơi kết thúc, bài học lớn ở đây là tránh những cuộc tranh luận phiến diện xung quanh các lỗi và cụm từ như "con đã làm điều này" hoặc "đây là lỗi con đã mắc phải".
"Bọn trẻ đã biết mọi sai lầm mình mắc phải nên không cần thiết phải nêu bật những sai lầm đó" - Tiến sĩ Nair nói - "Khi bạn mổ xẻ lỗi lầm, nó sẽ tạo ra sự mất cân bằng về quyền lực và đứa trẻ không thể thấy được mình đã làm tốt điều gì".
Thay vào đó, hãy thừa nhận hành vi tích cực và điểm mạnh mà chúng đã thực hiện. Cô khuyên: "Hãy giúp chúng tập trung vào những thói quen và kỹ thuật quan trọng, đồng thời nhớ rằng thắng hay thua thường không liên quan gì đến khả năng của trẻ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!