Cận cảnh quy trình sản xuất "thủ công" chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ)

Phùng Anh-Thứ hai, ngày 01/01/2024 15:03 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh những đặc sản nổi tiếng như thịt chua, củ mài, rau sắn, quả trám, khi đến vùng đất Long Cốc (Phú Thọ) không thể không thưởng thức chè xanh "Đinh Bát Tiên".

Long Cốc có thế mạnh là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn nhất ở huyện miền núi Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Toàn xã Long Cốc có diện tích trồng chè vào khoảng 694ha, mỗi năm cung cấp hơn 10.000 tấn chè búp tươi ra thị trường, với nguồn nguyên liệu dồi dào nếu được sản xuất, chế biến tại chỗ sẽ thu được hàng trăm tấn chè khô, đem lại nguồn thu quý giá cho người dân và địa phương. Trong các loại chè được sản xuất ở xã Long Cốc, đặc sắc nhất phải nói tới chè xanh "Đinh Bát Tiên", loại chè này đắt nhất bởi giá trị từ hương vị, cách thu hoạch, cách sao và tới cả cách thưởng thức, vậy nên chè "Đinh Bát Tiên" thường được sử dụng như những món quà quý để biếu và dùng trong những dịp cưc kỳ quan trọng.

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 1.

Đồi chè Long Cốc, Phú Thọ được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp bậc nhất châu Á. Hiện nay tỉnh Phú Thọ đang có những giải pháp để phát triển du lịch gắn với đặc sản các đồi chè ở địa phương.

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 2.

Trong những loại chè được sản xuất ở xã Long Cốc thì chè "Đinh Bát Tiên" là loại chè đặc sản có giá trị nhất. Từ hương vị thơm ngon, cách thu hoạch cầu kỳ, cùng với kỹ nghệ sao chè "thủ công" của người dân tộc Mường đã tạo nên sự độc đáo của chè xanh "Đinh Bát Tiên".

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 3.

Chè Bát Tiên là giống chè được nhập ngoại và lai tạo với giống chè của địa phương để cây chè dễ thích nghi với khí hậu của nước ta nhưng vẫn giữ cái tên Bát Tiên. Người dân ở xã Long Cốc dùng hoàn toàn phân hữu cơ, không sử dụng các loại đạm hay thuốc diệt cỏ trong quá trình chăm sóc. Giống chè này thường dùng để sản xuất loại chè Ô Long nổi tiếng nhưng khi được trồng ở Long Cốc đã được chế biến theo phương thức trà xanh và kết quả đã tạo ra loại chè xanh "Đinh Bát Tiên" mang nét đặc trưng riêng của người dân địa phương.

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 4.

Chè Đinh Bát Tiên được hái "một tôm - hai lá" từ giống chè "Bát Tiên" riêng biệt. Để có những búp chè đạt tiêu chuẩn, người dân phải đi hái chè từ sáng sớm và đặc biệt không được hái chè vào những ngày mưa. Búp chè sau khi hái xong phải được đem về "sao" luôn để giữ được độ tươi ngon.

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 5.

Việc sao chè "thủ công" được người dân tộc Mường áp dụng bằng kỹ năng truyền miệng từ đời trước truyền cho đời sau. Công đoạn chọn búp chè tươi từ trên cây, kỹ năng sao chè, căn nhiệt độ, thời gian hợp lý nhất để có sản phẩm chè ngon nhất đều được các thế hệ người Mường ở xã Long Cốc lưu truyền và gìn giữ cho đến ngày nay.

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 6.

Công đoạn "sao" chè rất tỉ mỉ, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm lâu năm. Đầu tiên búp chè tươi được cho vào chảo gang to đặt trên bếp lửa.

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 7.

Chị Phạm Thị Hạnh người dân tộc Mường - Giám đốc HTX chè an toàn xã Long Cốc - cho biết: "Cách kiểm soát nhiệt độ khi sao chè hoàn toàn được chúng tôi sử dụng kinh nghiệm truyền thống được các thế hệ ông bà truyền lại, khi sao phải sử dụng cảm giác từ lòng bàn tay để nhận biết nhiệt độ phù hợp cho lá chè chín và mềm, cùng với sự quan sát tỉ mỉ của đôi mắt theo dõi từng búp chè "se" lại".

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 8.

Những lá chè tươi "nóng hổi" được trực tiếp dùng tay vò cho đến khi chè chín và mềm.

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 9.

Sau khi chè đã chín và mềm sẽ được chuyển ra ngoài mẹt vò tiếp để định hình cho lá chè có độ xoăn.

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 10.

Sau khi được định hình, lá chè được cho vào chảo "đảo" tiếp lượt thứ hai cho xoăn cánh chè và tạo độ khô cho búp chè. Mỗi lượt sao chè diễn ra trong thời gian từ 60 - 70 phút để có thành phẩm chè xanh "Đinh Bát Tiên" hoàn thiện. Đến nay việc sản xuất chè đã được HTX chè Long Cốc ứng dụng quy trình sản xuất với máy móc hiện đại để rút ngắn thời gian "sao" và tăng sản lượng cho sản phẩm nhưng vẫn giữ đươc nguyên vẹn hương vị độc đáo của chè "Đinh Bát Tiên".

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 11.

Các sản phẩm chè đặc sản của người dân xã Long Cốc có giá thành từ 200.000VNĐ đến 1.500.000VNĐ/1Kg. Trong đó chè xanh Đinh Bát Tiên có giá trị cao nhất được bán ra thi trường với giá 1.500.000VNĐ/1Kg, 1 năm trung bình HTX chè Long Cốc bán ra 4 - 5 tạ chè Đinh Bát Tiên

Cận cảnh quy trình sản xuất thủ công chè xanh Đinh Bát Tiên đặc sản Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh 12.

Chè Đinh Bát Tiên sau khi pha nước có màu xanh nhẹ và rất trong. Thưởng thức chè, bạn sẽ cảm nhận được từ chén chè ấm nóng một hương thơm tự nhiên, có đủ ba vị đắng, chát, ngọt hoà quyện với nhau một cách vừa phải tạo nên hương vị độc đáo nhưng rất dễ uống, hậu vị rất sâu, nhẹ nhàng. Sau khi uống xong một chén chè thì hương thơm luôn phảng phất trong miệng, vị thanh mát sẽ làm cho tinh thần của bạn thêm sảng khoái.

Những hình ảnh của một trong những đồi chè đẹp nhất Châu Á cùng hương vị thơm ngon, độc đáo của chè xanh "Đinh Bát Tiên" sẽ là ấn tượng vô cùng đẹp và khó quên khi đến tham quan đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước