Cẩn thận với sốc phản vệ khi bị ong đốt

Thanh Hương - O2TV-Thứ sáu, ngày 18/06/2010 07:00 GMT+7

Ong đốt có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và tuần hoàn máu, thậm chí có thể làm tim ngừng đập, gây tử vong, hay còn gọi là sốc phản vệ.

Sốc phản vệ là một dạng nguy hiểm của sự phản ứng do mẫn cảm với một chất hoặc một loại thuốc nào đó. Vì vậy việc sơ cứu ngay khi có những biểu hiện của sốc phản vệ sau khi bị ong đốt là rất quan trọng.

Anh Ulrich Bohlken, 44 tuổi, có một khu vườn ở sau nhà, và anh biến chúng thành nơi nuôi ong. Anh đã nuôi ong được 6 năm nay. Đối với anh không có loại mật nào ngon hơn thứ mà bầy ong của anh tạo ra. Nhưng cách đây không lâu, chính thú vui này đã làm anh suýt mất đi mạng sống. Anh không biết rằng việc bị ong đốt cũng có thể dẫn đến tình trạng sốc phản vệ: "Trước đây tôi đã bị ong đốt vài lần rồi. Chỗ đốt thường bị ngứa và sưng lên, nhưng những triệu chứng này nhanh chóng biến mất. Song lần này tôi bị đốt ở tai, tôi cảm thấy nôn nao và choáng váng. Khi đó tôi vẫn không biết mình bị dị ứng với nọc độc của ong".

Bác sĩ Harald Loffler, Chuyên gia nghiên cứu miễn dịch - dị ứng, Bệnh viện Trường Đại học Marburg cho biết: "Những người bị sốc phản vệ thường bị khó thở và việc tuần hoàn máu bị chậm lại. Phản ứng làm cơ thể sản sinh ra chất histamin và lucotrin, khiến cho các mạch máu nhanh chóng bị giãn ra và làm giảm huyết áp. Trong 1 số trường hợp có thể dẫn đến tình trạng tim ngừng đập".

Sốc phản vệ có thể dẫn đến tình trạng khó thở chỉ trong vài phút, vì vậy cần phải gọi bác sĩ tới ngay. Bệnh nhân cần phải được cấp cứu để ổn định lại tuần hoàn máu. Nhờ vào sự cứu chữa nhanh chóng và kịp thời mà anh Ulrich Bohlken vẫn còn sống để kể lại câu chuyện của mình. Song một nốt ong đốt khác có thể còn gây ra phản ứng mạnh hơn vì vậy để bảo đảm sự an toàn, từ giờ trở đi anh luôn mặc quần áo bảo hộ khi đi gặp những chú ong thân yêu. Giờ đây anh luôn mang cả hộp dụng cụ cứu thương theo người để phòng trường hợp xấu nhất xảy ra. Trong hộp có thuốc chống phản ứng mẫn cảm, thuốc tiêm bắp adrenalin để ổn định tuần hoàn máu.

Trong quá trình điều trị hiện tượng quá mẫn cảm, cơ thể bệnh nhân sẽ dần trở nên nhạy cảm với các chất gây dị ứng. Do vậy bác sĩ tiến hành tiêm một liều nọc độc của côn trùng vào dưới da anh Ulrich từ 3 đến 5 năm 1 lần. Và mỗi lần liều lượng lại được tăng lên. Sáu tháng sau khi được điều trị, anh Ulrich lại bị ong đốt 1 lần nữa. Nhưng lần này, tình hình đã được kiểm soát, anh kể đã nói với các bác sĩ đứng ngay cạnh mình rằng: "Tôi rất lo lắng, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra khi con ong đốt tôi. Nhưng tôi hy vọng mình sẽ không bị phản ứng hoặc nếu có thì cũng không quá mạnh".

Để chắc chắn liều nọc độc mà anh Ulrich nhận được là lớn nhất, các bác sĩ để con ong trên da anh tới 4 phút sau khi đốt. Sau đó mọi chuyện diễn ra như dự định. Việc tạo miễn dịch đã thành công, anh cho biết: "Tôi cảm thấy hơi nhói một chút, và có cảm giác hơi rát nhẹ. Ngoài ra thì không có gì khó chịu cả".

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước