Đây là cảnh báo trong nghiên cứu được các nhà khoa học trình bày tại Hội nghị châu Âu về chứng béo phì diễn ra ngày 22/5 ở thủ đô Vienna của Áo.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu dân số của tất cả các quốc gia trên thế giới thu thập từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chia dân số tại từng quốc gia vào các nhóm tuổi và theo chỉ số khối cơ thể (BMI), phân tích các xu hướng, từ đó đưa ra các dự báo. BMI được tính theo công thức cân nặng (kg) chia bình phương chiều cao (tính theo m hoặc cm). Một người khỏe mạnh có BMI dao động trong khoảng 18,5-24,9. Nếu chỉ số này lớn hơn hoặc bằng 25, đồng nghĩa một người bị thừa cân. Người béo phì là người có chỉ số lớn hơn 30.
Căn cứ trên cơ sở này, nghiên cứu nhấn mạnh nếu tình hình không được cải thiện, tới năm 2045, sẽ có khoảng 22% dân số thế giới mắc chứng béo phì, tăng từ mức 14% của năm 2017. Hệ quả là tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ tăng từ mức 1:11 lên mức 1:8. Riêng tại Mỹ, nhóm nghiên cứu dự báo tỷ lệ béo phì sẽ tăng từ 39% trong năm 2017 lên 55% vào năm 2045. Cùng thời gian này, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng từ 14% lên 18%. Tại Anh, tỷ lệ béo phì cũng có nguy cơ tăng đáng kể từ 32% lên 48%, trong khi số người mắc bệnh tiểu đường tăng từ 10,2% lên 12,6% dân số.
Nhà nghiên cứu Alan Moses thuộc bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk nhấn mạnh các số liệu trên cho thấy thách thức đáng báo động mà thế giới sẽ phải đối mặt trong tương lai liên quan số lượng người béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc mắc cả 2 chứng bệnh này. Ngoài những thách thức y tế mà con người phải đối diện, hệ thống y tế của các quốc gia trên thế giới cũng sẽ phải gồng mình gánh thêm những khoản chi phí khổng lồ. Trên thực tế, các cơ sở y tế trên thế giới hiện đang phải chịu các khoản phí tổn rất lớn chỉ riêng cho việc điều trị bệnh tiểu đường.
Nhà nghiên cứu Moses và các cộng sự nhấn mạnh để đảo ngược xu hướng hiện nay về tình trạng béo phì, các nước trên thế giới cần phối hợp và hành động một cách mạnh mẽ.
Trước đó, một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2016 cho thấy tỷ lệ người trưởng thành béo phì đã tăng hơn 2 lần trong vòng 40 năm (kể từ năm 1975). Chỉ riêng năm 2014, trong số khoảng 5 tỷ người trưởng thành đã có khoảng 641 triệu người mắc chứng béo phì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!