Không phải ai cũng biết rằng tồn tại một loại chất béo giúp cơ thể chúng ta giảm cân
Béo phì là căn bệnh xảy ra khi cơ thể con người tích tụ quá nhiều chất béo. Khi đạt đến một điểm nhất định, chất béo sẽ ngừng tăng và phát triển thành bệnh, chẳng hạn như bệnh tiểu đường cấp 2. Tuy nhiên, không phải tất cả chất béo đều có hại.
Chất béo tích tụ sinh béo phì được gọi là mỡ trắng, tuy nhiên, một dạng chất béo thứ hai (mỡ nâu) thực sự có thể được sử dụng để giảm cân và điều trị béo phì.
Mỡ nâu được chuyển hóa thành nhiệt năng. Ở những loài động vật nhỏ như chuột hay chuột đồng, mỡ nâu được đốt cháy trong cơ thể tạo ra nhiệt giúp chúng sống sót ngay cả ở nhiệt độ đóng băng.
Mỡ nâu có thể đốt cháy một lượng năng lượng khổng lồ. Khi được sử dụng toàn bộ, chỉ 100 gmỡ nâu có thể đốt cháy 3.400 calo mỗi ngày, gần gấp đôi lượng thức ăn hàng ngày của mỗi người, quá đủ để chống lại bệnh béo phì. Hơn thế nữa, khi mỡ nâu đốt cháy nhiên liệu, cơ thể không cảm nhận được, nói cách khác, chúng ta không cần ăn thêm đồ ăn để giữ nguyên trọng lượng cơ thể.
Trong khi trẻ sơ sinh có rất nhiều mỡ nâu, hầu hết người lớn có rất ít và tệ hơn nữa là mỡ nâu hầu như không hoạt động. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy chúng ta có thể tạo ra nhiều mỡ nâu hơn, làm cho nó trở thành một phương pháp hấp dẫn để điều trị bệnh béo phì.
Cách sản sinh ra nhiều mỡ nâu hơn
Thật không may, phương pháp đáng tin cậy duy nhất để tăng cả số lượng và thúc đẩy hoạt động của mỡ nâu là đánh lừa bộ não. Đặt một người trong thời tiết lạnh giá, không có lò sưởi hay quần áo ấm để cơ thể họ cảm nhận được cái lạnh, từ đó kích thích hệ thần kinh điều khiển việc đốt cháy mỡ nâu và sản sinh ra nhiều nhiệt năng hơn. Tuy nhiên, để con người ngồi trong phòng lạnh trong nhiều ngày không phải là phương án khả thi.
Một phương pháp khác là sử dụng thuốc để bắt chước các tín hiệu hệ thần kinh, từ đó điều khiển hoạt động của mỡ nâu. Tuy nhiên, điểm trừ là các loại thuốc này cũng làm tăng huyết áp và nhịp tim. Điều này gây ra các tác dụng phụ như đau tim, đặc biệt dễ xảy ra ở những người béo phì, những người mong muốn sử dụng được mỡ nâu để điều trị cho căn bệnh của mình.
Phương pháp thay thế
Vài năm trước, các nhà khoa học đã xác định được một phân tử ở chuột có tên BMP8b. Nồng độ BMP8b được tìm thấy trong mỡ nâu cao hơn so với trong mỡ trắng, đồng thời chỉ số nồng độ cũng tăng lên khi đặt những chú chuột này trong môi trường thí nghiệm giá lạnh. Khi loại bỏ BMP8b, mỡ nâu ở chuột không hoạt động.
BMP8b tiếp tục được phát hiện trong máu con người. Do đó, BMP8b có thể được sử dụng để chế tạo thuốc giúp kích hoạt mỡ nâu trong cơ thể người.
Trước khi thử nghiệm BMP8b ở người, các nhà khoa học đã tiến hành một thử nghiệm trên những chú chuột để giải đáp thắc mắc liệu có mối tương quan giữa việc tăng số lượng phân tử BMP8b và khả năng tăng hoạt động của mỡ nâu?
Thí nghiệm tiến hành bằng cách nâng nồng độ phân tử này trong tế bào mỡ trắng của những chú chuột sao cho ngang với lượng mỡ nâu. Kết quả cho thấy, mỡ trắng hóa nâu dần và lượng mỡ nâu cũng hoạt động mạnh hơn. BMP8b thực hiện điều này bằng cách tăng tính nhạy cảm của những chú chuột đối với các tín hiệu từ các dây thần kinh kích hoạt mỡ nâu. Bất ngờ hơn, BMP8b cũng tăng số lượng mạch máu và số lượng dây thần kinh nối đến cả hai loại mỡ.
Sự kết hợp các yếu tố này thực sự thú vị vì BMP8b có thể giúp cơ thể người sản sinh ra nhiều mỡ nâu hơn. Tăng số lượng dây thần kinh ở mỡ nâu đồng nghĩa với việc bất kỳ tín hiệu nào từ não để kích hoạt mỡ nâu đều sẽ được khuếch đại. Khả quan hơn, do BMP8b khiến mỡ nâu nhạy cảm hơn với các tín hiệu của các dây thần kinh kích hoạt, chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc bắt chước các tín hiệu này ở liều thấp hơn mức gây ra bệnh đau tim.
Dù cho các kết quả thí nghiệm đều khả quan, sẽ còn rất nhiều việc cần được tiến hành để kiểm tra BMP8b có thể thay đổi chức năng mỡ nâu ở người hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!