Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đến từ trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung – Trung Quốc đã tình cờ phát minh ra một loại nhựa hoàn toàn mới. Loại nhựa đặc biệt này có thể tự phân hủy hết chỉ sau một tuần trong môi trường có ánh sáng và oxi. Đây có thể được coi là bước phát triển mới trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa của toàn nhân loại.
Rác thải nhựa - vấn nạn của toàn nhân loại
Trên thực tế, mục đích đầu tiên của công trình nghiên cứu này là một loại cảm biến hóa học tiên tiến dưới dạng màng bọc polyme, có khả năng thay đổi màu sắc tùy thuộc vào mức độ pH của môi trường. Các liên kết của loại vật liệu này vô cùng độc đáo, làm cho màu đỏ đậm ban đầu của nó nhanh chóng bị phai mờ do bị vỡ ra sau nhiều ngày tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Hiện tượng này đã khiến các nhà khoa học chuyển hướng và vô tình chế tạo thành công loại nhựa có khả năng phân hủy “thần tốc”.
Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và oxi, loại nhựa này sẽ phân hủy hoàn toàn chỉ trong vòng một tuần, không để lại bất kì một dấu hiệu nào trong môi trường xung quanh. Trong quá trình phân hủy, nó cũng đồng thời giải phóng một sản phẩm phụ - axit succinic tự nhiên. Chất này được các nhà khoa học tin rằng chứa tiềm năng cho mục đích thương mại trong ngành công nghiệp dược phẩm hoặc thực phẩm.
Do dễ dàng phân hủy dưới ánh sáng mặt trời, loại nhựa mới này không thực sự phù hợp để làm những vật dụng hàng ngày như chai nước hay túi mua sắm. Tuy nhiên, đây có thể là một giải pháp mới, thân thiện với môi trường cho các linh kiện điện tử - nơi không có ánh sáng và ít tiếp xúc với không khí xung quanh. Trong môi trường này, linh kiện làm từ loại nhựa mới có thể tồn tại trong vòng nhiều năm, góp phần làm bớt nguồn rác thải nhựa từ ngành công nghiệp điện tử đầy tiềm năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!