Trong dịp đầu năm mới, gieo quẻ xin xăm dường như đã trở thành một truyền thống lâu đời của người Việt Nam với mong muốn có một năm mới nhiều khởi sắc và thành công hơn năm cũ. Xin xăm để biết những vận hạn trong năm mới của mình tốt, xấu ra sao để biết cách phòng tránh.
Xin xăm là một hoạt động tâm linh, không phải là một hình thức mê tín dị đoan. Người dân thường kết hợp đi lễ chùa, đền rồi xin xăm như một thú vui.
Tại đền thờ Bà Hải (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh), bắt đầu từ ngày Mùng 1 Tết người dân khắp nơi đã đổ về để đi lễ xin xăm. Theo thông lệ hàng năm, người dân sẽ đến đền Bà Hải nhiều nhất từ Mùng 1 Tết đến Mùng 6 Tết, và lượng khách vẫn duy trì cho đến hết tháng 3.
Đền thờ Bà Hải hay còn được gọi là đền bà Nguyễn Thị Bích Châu, là địa chỉ du lịch tâm linh vốn nổi tiếng linh thiêng với người dân Hà Tĩnh và du khách thập phương bấy lâu nay.
Đền Bà Hải không chỉ là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, đây còn là nơi lưu giữ những chiến tích chiến tranh cổ xưa của thời nhà Trần. Đền vì thế mà luôn đông du khách, người qua lại vừa lễ chùa và tìm hiểu lịch sử văn hóa.
Theo chia sẻ của chị Thanh Tâm - người dân tại tỉnh Hà Tĩnh, chị và gia đình luôn đi lễ hàng năm tại đền thờ Bà Hải. "Năm nào gia đình tôi cũng tới đây thắp hương làm lễ để cầu nguyện sức khỏe, bình an, hạnh phúc cho gia đình. Ngoài ra tôi sẽ xin xăm để biết được vận hạn trong năm nay như thế nào. Đây cũng là một phong tục đẹp được gìn giữ lâu đời và bản thân tôi cảm thấy rất thú vị".
Dịch vụ viết sớ giải hạn, cầu bình an, xin xăm "đắt sô" ngày đầu năm.
Sự tích về đền thờ bà Hải (Nguyễn Thị Bích Châu)
Bà Nguyễn Thị Bích Châu là con gái của đại thần Nguyễn Tướng Công, sinh ra ở Hải Hậu, Nam Định. Bà nổi tiếng là cô gái vừa xinh đẹp lại giỏi giang nên được mọi người hết mực yêu mến. Đến năm 1373, bà được vua Trần Duệ Tông yêu thương và tuyển làm cung nhân gọi là ái phi Bích Châu, lấy hiệu là Phù Dung.
Lúc nhà Trần suy vong, Quý phi Bích Châu đã soạn thảo "Kê Minh Thập Sách" với đường lối quân sự, chính trị, văn hóa thiết thực, trọng yếu, phù hợp với giai đoạn lúc bấy giờ. Đến năm 1377, bà hộ giá nhà vua đem quân đánh Chiêm Thành nhưng không may bị trúng độc và mất vào ngày 12 tháng 2.
Đền Quý phi Bích Châu được xây dựng trên một cồn cát rất rộng vào thế kỷ XIV, bao gồm khu cổng chính với đền miếu Ông Quan Tả, Nhà Quan Tả và Tam Quan; khu điện thờ chính Quý phi Bích Châu gồm Hạ điện, Trung điện và Thượng điện được kết nối với nhau theo kiểu chữ Công.
Từ tổng thể đến chi tiết, đền Quý phi Bích Châu được thiết kế cầu kỳ và công phu. Hình "lưỡng long chầu nguyệt" ở khu nhà Hạ điện, bức hoành phi được sơn son thếp vàng đề chữ "Thánh Đức Lưu Phương" ở gian giữa vừa đẹp, cầu kỳ lại rất hoành tráng nhằm để tưởng nhớ và ca ngợi công đức của Nguyễn Thị Bích Châu.
Ngày 03/8/1991, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có Quyết định công nhận đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu là Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!