Chiêm ngưỡng 2 cây di sản hàng trăm tuổi ở chùa Hưng Long

Nguyễn Xuyến-Thứ năm, ngày 28/12/2023 15:30 GMT+7

VTV.vn - Chùa Hưng Long (Gác Chuông) là ngôi chùa cổ đặc biệt ở Ninh Bình hiện đang sở hữu 2 cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Chùa cổ Hưng Long hay còn gọi là chùa Gác Chuông, tọa lạc ở làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình. Trải qua hàng trăm năm, ngôi chùa không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp rêu phong, cổ kính như miền cổ tích, chùa còn có 2 cây di sản là "báu vật" của nhà chùa và nhân dân địa phương.

Chiêm ngưỡng 2 cây di sản hàng trăm tuổi ở chùa Hưng Long - Ảnh 1.

Ngôi chùa cổ đã có tuổi đời lâu năm, trải qua những biến thiên của lịch sử, chùa đã được xây dựng, khang trang trở lại.

Cây bàng cổ thụ ngay bên cổng tam quan chùa, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2013. Khi đó cây có tuổi đời là 225 năm, đến nay cây bàng đã 235 năm tuổi. Thân cây bàng to lớn, các cành cây vươn toả ra tạo thành bóng mát càng làm tô thêm vẻ cổ kính của ngôi chùa cổ Hưng Long. Thân cây to lớn, xù xì, cành cây, tán lá rộng khắp che phủ cả một vùng rộng lớn, rợp bóng mát cho cổng chùa.

Chiêm ngưỡng 2 cây di sản hàng trăm tuổi ở chùa Hưng Long - Ảnh 2.

Cây bàng với thân cây to lớn, tán lá rộng che phủ cả một khoảng chùa.

Theo người dân địa phương, cây bàng cũng là nơi che chắn bom đạn cho nhân dân thời chiến tranh. Nơi đây cũng tiễn bao thế hệ tuổi trẻ quê hương Ninh Nhất lên đường bảo vệ Tổ quốc thời kháng chiến. Ngày nay, cây bàng cổ thụ che bóng mát cho người dân trong làng. Dưới gốc bàng là nơi người dân gặp gỡ để chia sẻ câu chuyện thường ngày.

Chiêm ngưỡng 2 cây di sản hàng trăm tuổi ở chùa Hưng Long - Ảnh 3.

Hàng trăm năm qua, cây bàng đã che bóng mát cho biết bao người dân, chứng kiến bao thăng trầm của biết bao lớp người.

Chiêm ngưỡng 2 cây di sản hàng trăm tuổi ở chùa Hưng Long - Ảnh 4.

Cây bàng được công nhận là Cây di sản Việt Nam năm 2023.

Trong khuôn viên chùa Hưng Long còn có cây thị cổ thụ có tuổi đời hơn 500 năm. Được biết, cây thị cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam vào năm 2013 với 523 tuổi, tính đến nay cây thị đã có tuổi đời 533 năm.

Cây thị có gốc và đường kính thân cây lớn gần gấp 3 so với cây bàng nhưng tán cây không phủ rộng vì cách đây ít năm, cơn bão lớn đã quật gãy ngọn của cây thị già này.

Chiêm ngưỡng 2 cây di sản hàng trăm tuổi ở chùa Hưng Long - Ảnh 5.

Tán cây thị xanh tươi, năm nào cũng đơm hoa kết trái mang đến phước lành cho mái chùa.

Cành và tán lá của cây thị vươn rộng phủ lên mái chùa tạo nên như một bức tranh cổ kính. Cây thị di sản trong sân chùa Hưng Long ngày ngày vẫn tươi tốt, thân cây vững chắc, lá xanh tươi, năm nào cũng ra hoa kết trái đem đến sự bình an cho người dân đến vãng cảnh chùa và lễ Phật ở ngôi chùa cổ này.

Chiêm ngưỡng 2 cây di sản hàng trăm tuổi ở chùa Hưng Long - Ảnh 6.

Cây thị được công nhận là Cây di sản Việt Nam năm 2023.

Cây bàng, cây thị không chỉ là cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi mà dưới bóng cây đó còn là những câu chuyện thể hiện tầng sâu văn hoá, lịch sử có tính giáo dục mang bản sắc riêng đã được lưu giữ và truyền qua nhiều thế hệ.

Chiêm ngưỡng 2 cây di sản hàng trăm tuổi ở chùa Hưng Long - Ảnh 7.

Cây thị được trồng trong khuôn viên chùa có tuổi đời cao, có khả năng chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt, quả thị tròn đẹp và có hương thơm tinh khiết.

Việc công nhận cây Di sản trong khuôn viên chùa Hưng Long có ý nghĩa quan trọng về việc gìn giữ bảo vệ hệ sinh thái môi trường cũng như tôn vinh, phát huy với những giá trị về mặt văn hóa, tinh thần của người dân địa phương.

Chiêm ngưỡng 2 cây di sản hàng trăm tuổi ở chùa Hưng Long - Ảnh 8.

Cây thị và cây bàng từ lâu không chỉ là "báu vật" của nhà chùa, mà người dân địa phương cũng luôn trân quý và gìn giữ.

Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), Cây di sản không đơn thuần là những cây cổ thụ, mà còn là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh và bảo vệ. Để được công nhận là cây di sản phải đáp ứng được các tiêu chí như: Cây mọc tự nhiên, phải sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 40 m, chu vi trên 6 m đối với cây gỗ đơn thân còn đối với các cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 25 m, chu vi trên 15 m), có hình dáng đặc sắc.

Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 30 m, chu vi trên 3,5 m đối với cây gỗ đơn thân còn với cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 20 m, chu vi trên 10 m), có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử).

Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc lịch sử hoặc văn hóa hoặc mỹ quan cũng sẽ được xem xét đặc biệt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước