Giờ đây, cô gái ung thư xương ngày nào nay đã trở thành nhân viên ngành y, sánh vai chàng trai cùng cô vượt bạo bệnh trong một đám cưới ấm cúng như cổ tích.
Cô gái nhỏ trong "cuộc chiến lớn"
Gần 4 năm trước, ở tuổi 23 tươi đẹp và đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học, Lê Thị Hòa phải đi khám vì tình trạng "chân phải thỉnh thoảng bị đau dọc theo thân xương đùi, đau tăng lên vào buổi tối hay khi vận động nặng, nhìn bề ngoài chân không bị sưng đau hay biến dạng".
Khi nhận kết quả giải phẫu bệnh phẩm kết luận mình bị ung thư xương ác tính, nữ sinh viên như thấy bầu trời sụp đổ trước mắt mình. Rồi rất nhanh chóng, Hòa nhập viện để được truyền hóa chất tiền phẫu 3 đợt. May mắn là cô đáp ứng tốt.
Tháng 10/2019, sau ca phẫu thuật cắt bỏ đoạn đầu dưới xương đùi phải và truyền 6 đợt hóa chất hậu phẫu, vùng chỏm xương đùi của Hòa xuất hiện tổn thương mới. Hòa được hội chẩn lại và mời GS.TS.BS Trần Trung Dũng tham gia. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật tháo bỏ toàn bộ xương đùi, thay thế bằng xương đùi nhân tạo cho Hoà. Hòa được ekip giải thích: "Đây sẽ là ca thay toàn bộ xương đùi đầu tiên tại Việt Nam". Không để bác sĩ chờ lâu Hòa đồng ý, Hòa chia sẻ: Cô đặt toàn bộ niềm tin vào ekip, cô biết đây là lựa chọn duy nhất để cô có thể đứng dậy một lần nữa, đó là khát khao lớn nhất của cô.
Theo GS.TS Trần Trung Dũng (Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao miền Bắc, Hệ thống Y tế Vinmec) xương đùi là xương dài nhất và nặng nhất, chịu trọng lực của toàn bộ cơ thể khi đi lại và vận động. Không những thế, xương đùi trực tiếp tham gia vào cấu tạo của khớp háng và khớp gối - hai khớp lớn và cũng phức tạp nhất cơ thể. Do đó, khi có một tổn thương phá hủy xương nghiêm trọng như ung thư thì việc vừa phải phẫu thuật loại bỏ khối ung thư và giữ được chức năng chi là một thử thách vô cùng khó khăn.
"Nhưng với quyết tâm rất lớn, sau khi hội chẩn kỹ càng, chúng tôi quyết định vẫn phẫu thuật cho bệnh nhân để em không còn mặc cảm mà vững tin tiếp tục sống với những ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ", GS.TS Trần Trung Dũng kể lại.
Nhận định đây là một ca phẫu thuật phức tạp, đầy khó khăn, để đảm bảo chức năng của xương đùi, khớp háng và gối, ekip phẫu thuật cần đặt dụng cụ chính xác đến từng cm theo đúng trục giải phẫu, sinh lý của bệnh nhân. Đồng thời phải khâu phục hồi lại khối cơ mông và đùi như giải phẫu ban đầu để tạo độ vững cho khớp háng và gối, giúp bệnh nhân có thể đi lại được.
Lê Thị Hòa hồi phục sau ca phẫu thuật thay khớp nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam
5 ngày sau mổ, vết thương của Hòa đã ổn định, không chảy dịch, ít đau. Mặc dù lượng máu mất trong phẫu thuật tương đối lớn nhưng với sự chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng cùng sự quyết tâm lớn của bản thân, sức khỏe của Hòa bình phục rất tốt. Hòa có thể ngồi dậy và nói chuyên với mọi người khá thoải mái.
Sau một tháng, Hòa đã có thể bỏ nạng và đi lại được. Sau 3 năm tái khám theo định kỳ, căn bệnh ác tính đã biến mất. Bác sĩ cũng không thấy tổn thương tái phát tại chỗ hay di căn phổi.
Vượt qua bạo bệnh, làm cô dâu viên mãn
Nhắc đến biến cố thay đổi cuộc đời mình, Hòa xúc động bày tỏ: "GS.Dũng và ekip đã sinh ra tôi lần thứ hai". Cũng chính từ đó, trong cô gái trẻ nhen nhóm một đam mê mãnh liệt, đó là gia nhập ngành y để có thể giúp đỡ nhiều bệnh nhân giống mình, chia sẻ với họ niềm tin, hy vọng và sự lạc quan để đối diện với bệnh tật. Nhờ sự nỗ lực, hiện Hòa đã trở thành thư ký của GS. Dũng tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec.
Lê Thị Hòa hiện đã trở thành một thành viên của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec
Vượt qua bạo bệnh, cô gái trẻ trở lại cuộc sống với nguồn năng lượng tích cực hơn bao giờ hết. Mỗi ngày, cô đều hăng say với công việc tại Trung tâm, đặc biệt là với các bệnh nhân ung thư xương đang được điều trị tại Vinmec. Không chỉ có vậy, cô còn lập riêng một nhóm từ thiện để hỗ trợ các bệnh nhân có hoàn cảnh giống mình. Hiện nhóm đang hoạt động tích cực với nhiều thành viên từ Bắc vào Nam.
Mới đây, đầu tháng 3/2023, Hòa đã có một đám cưới ấm áp với chàng trai – người đã đồng hành với cô từ những ngày đầu phát hiện bệnh. Đám cưới diễn ra trong không khí đầm ấm với lời chúc phúc của tất cả họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là ekip đã giành giật lại sự sống cho Hòa từ tay tử thần.
Đám cưới của Hòa với sự tham dự của các ân nhân cũng là các đồng nghiệp tại Vinmec
Chiến thắng căn bệnh ác tính, Hòa cũng ấp ủ những ước muốn của riêng mình. Cô muốn du lịch đến những vùng đất mới để bù lại quãng thời gian 2 năm chữa bệnh. Cô cũng muốn có thật nhiều sức khỏe để làm việc, không chỉ giúp gia đình mà còn để trả ơn cuộc đời. Mong muốn đặc biệt nhất của Hòa là viết một cuốn sách về hành trình chiến thắng bệnh tật của mình để truyền động lực cho những người có hoàn cảnh tương tự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!