Nhẫn là đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, là một trong những chữ được chọn nhiều nhất để làm tranh đặt trong nhà, cũng là một trong những chủ đề được nhắc nhiều nhất trong các bài giảng tại những ngôi chùa, thiền viện. Học được chữ nhẫn ở đời mọi việc ắt thành công.
Ông bà ta vẫn thường nhắc con cháu "một điều nhịn là chín điều lành". Nhịn được cái tức một lúc, tránh được mối lo trăm ngày, muốn hòa thuận trên dưới, nhẫn nhịn đứng hàng đầu. Vì sao chữ nhẫn được quan tâm như vậy? Bởi nếu có sự kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại, biết lắng nghe người khác để điều chỉnh bản thân, nhường nhịn để vì cái chung sẽ tránh được bất đồng, va chạm, những tình huống gây căng thẳng trong cuộc sống. Thế nhưng, chữ nhẫn cũng vận động và biến đổi theo thời đại, khác nhau theo từng thế hệ.
Người trẻ có quan điểm riêng về sự kiên nhẫn, nhẫn nhịn, không như thế hệ trước và có thể thấy rõ qua các biểu hiện tại nơi làm việc. Nếu thế hệ ông bà, bố mẹ thường gắn bó cả đời với một đơn vị, một công việc từ khi ra trường đến lúc nghỉ hưu thì người trẻ giờ hoàn toàn khác.
Theo khảo sát của Anphabe, một trong những đơn vị thuộc lĩnh vực tuyển dụng việc làm, mục tiêu nghề nghiệp của người trẻ có sự đa dạng hơn so với trước, như yêu cầu về thu nhập, phát triển, mở rộng quan hệ, trải nghiệm, cân bằng công việc và cuộc sống… Nhưng đối với các đơn vị tuyển dụng, bài toán nhân sự được nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác.
Ở khía cạnh gia đình, theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và giới năm 2018, trung bình cả nước có hơn 60.000 vụ ly hôn mỗi năm. Trong số đó, 70% là các cặp vợ chồng dưới 30 tuổi. Các chuyên gia cho biết, bên cạnh những trường hợp ly hôn xuất phát từ thiếu chín chắn trong hôn nhân thì cũng có trường hợp không chấp nhận hôn nhân giả dối, không hạnh phúc. Không phải cứ lập gia đình là đương nhiên có gia đình bền vững, đầu bạc răng long. Hôn nhân không có nghĩa bao gồm chấp nhận mọi thứ, bao gồm cả khổ đau.
"Có những điều trước đây với thế hệ cha ông chúng ta có thể cân nhắc, suy nghĩ, sửa chữa và không muốn thay mới nhưng với thể hệ trẻ ngày nay, định kiến đã được gỡ. Ai đó ly hôn không còn là điều gì đó ghê gớm. Việc yêu bản thân, trân trọng giá trị bản thân ngày càng mạnh mẽ hơn nên dẫn đến việc người ta không chấp nhận một cuộc hôn nhân không hạnh phúc", nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết.
Chữ nhẫn nghĩ đơn giản là chậm lại một chút, có sự tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định. Chính sự thấu đáo giúp chúng ta biết khi nào cần lên tiếng trong những trường hợp cụ thể. Bằng thời gian, sự trải nghiệm, việc cân nhắc kỹ lưỡng sẽ ngày càng mang nhiều ý nghĩa hơn đối với người trẻ, để bớt đi những chữ giá như, để điều hòa các mối quan hệ một cách văn minh và phát triển chính bản thân theo hướng tích cực nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!