Cù Lao Chàm - Hình mẫu đảo xanh "nói không" với rác thải nhựa

Giang Châu-Thứ sáu, ngày 07/06/2024 08:57 GMT+7

VTV.vn - Đến Cù Lao Chàm, du khách không chỉ mê đắm biển xanh, cát trắng, nắng vàng, mà còn ấn tượng về một hòn đảo ngập tràn tình yêu và trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường.

Cù Lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã Tân Hiệp, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại tầm 15km. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên trên rừng, dưới biển và lưu giữ dấu tích của nhiều nền văn hóa từ thời tiền sử, văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Cảnh quan biển đảo hữu tình thu hút nhiều du khách lựa chọn Cù Lao Chàm là điểm đến sau khi khám phá phố cổ Hội An nhộn nhịp.

Khi được trực tiếp trải nghiệm lặn biển ở vùng nước trong vắt, tôi càng hiểu lý do vì sao chính quyền và người dân Cù Lao Chàm quyết liệt với công tác chống rác thải nhựa. Càng xuống sâu, thế giới sống động dưới nước càng mở ra. Những rạn san hô rực rỡ muôn màu chứng minh cho sức sống mãnh liệt của biển cả. Hướng dẫn viên giúp chúng tôi quen với áp suất dưới nước và chụp lại những tấm ảnh kỉ niệm trong lòng đại dương. Và nếu biển cả bị ô nhiễm, vẻ đẹp như thế này sẽ có lẽ chỉ còn tồn tại qua các bức ảnh.

Cù Lao Chàm - Hình mẫu đảo xanh nói không với rác thải nhựa - Ảnh 1.

Bữa trưa trên tàu của chúng tôi sau khi lặn biển.

Cù Lao Chàm - Hình mẫu đảo xanh nói không với rác thải nhựa - Ảnh 2.

Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với nhiều rạn san hô xinh đẹp.

Từ năm 2018, Cù Lao Chàm phát động phong trào “Nói không với ống hút nhựa”. Đến năm 2019, toàn đảo lại mạnh mẽ với khẩu hiệu “Nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần”. Sau hơn 5 năm triển khai, nhiều hộ gia đình, kinh doanh buôn bán, homestay đã thay đổi thói quen, chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải, ống hút giấy, khuyến khích khách hàng không cần dùng túi để đựng hàng,… Điều đáng mừng là nhân dân và du khách chấp hành rất tốt chủ trương, đặc biệt là “Nói không với túi nilon”. Ngay từ bến cảng Cửa Đại, những tấm biển và loa tuyên truyền cấm du khách mang nilon, đồ nhựa dùng một lần lên tàu, thuyền đã được thực hiện quyết liệt. Chính vì thế, lượng rác thải nhựa mang ra đảo đã giảm đáng kể. Một số mô hình về giảm thiểu rác thải từ trên bờ và dưới biển khác được triển khai đồng bộ như: Mô hình Cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF), Ngôi nhà đại dương (mang rác về bờ của ngư dân), Thu gom rác tái chế tại trường học, Chương trình Giám sát rác thải bãi biển và rạn san hô, Phụ nữ ủ rác hữu cơ thành phân bón và nước rửa bát sinh học,… Mỗi mùa cao điểm du lịch, lượng rác phát thải ra môi trường khoảng 4 tấn rác/ngày, chủ yếu là rác sinh hoạt, vỏ hải sản. Số rác này được phân loại thành rác vô cơ, rác hữu cơ và rác tái chế, đưa về khu xử lý rác tại Eo Gió được xây dựng bằng nguồn viện trợ của chính phủ Đan Mạch. Nhiều rác thải nhựa giá trị thấp đã được tái sinh thành các tấm ván, vật liệu có tính ứng dụng cao.

Cù Lao Chàm - Hình mẫu đảo xanh nói không với rác thải nhựa - Ảnh 3.

Du khách lấy nước miễn phí vào bình nước cá nhân.

Cù Lao Chàm - Hình mẫu đảo xanh nói không với rác thải nhựa - Ảnh 4.

Chị em phụ nữ ở Cù Lao Chàm thường xuyên cùng nhau tái chế rác hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học.

Cù Lao Chàm - Hình mẫu đảo xanh nói không với rác thải nhựa - Ảnh 5.

Rác thải nhựa giá trị thấp được tái chế thành các vật dụng có ích.

Anh Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã làm công tác bảo tồn biển ở đây từ năm 2006. Anh nhớ lại những ngày đầu rác thải ngập tràn ở Cù Lao Chàm và các đảo khác. Kể từ khi có chương trình của Đan Mạch hỗ trợ, anh học hỏi được rất nhiều, nhất là các mô hình hay của Nhật Bản, bắt đầu từ việc phân loại rác tại nguồn. Sau một thời gian dài nỗ lực, những kết quả cũng tạm hài lòng. Anh chia sẻ: “Hiện nay người dân đã hiểu được việc nhiều rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ như thế nào. Khi giảm thiểu rác thì nguồn lợi thủy, hải sản được phục hồi dồi dào. Có một kỉ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là một du khách đến Cù Lao Chàm đã chụp ảnh, đăng tải lên mạng xã hội với nội dung: Đến đảo Cù Lao Chàm tìm một cọng rác khó hơn tìm một con cá. Đấy là câu nói đùa dí dỏm nhưng cũng là động lực cho anh em chúng tôi tiếp tục thực hiện công việc ý nghĩa của mình”.

Anh Thuận bộc bạch thêm, hiện nay Cù Lao Chàm đang có một bãi xử lý rác tại Eo Gió, anh mong muốn xóa bãi rác này, đưa nó thành điểm du lịch học tập cộng đồng để giáo dục về phân loại rác. Từ đó hướng đến đảo Cù Lao Chàm sẽ không còn rác thải. Sau thành công của Cù Lao Chàm, nhiều huyện đảo ở nước ta cũng bắt đầu triển khai “nói không với rác thải nhựa” như Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận) hay Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Những bãi biển nguyên sơ, thơ mộng trên đảo Cù Lao Chàm.

Tổng lượng khách đến Cù Lao Chàm từ đầu năm đến tháng 4 vừa qua là 34.794 (trong đó khách quốc tế là 17.481), tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023. Từ tháng 5 – mùa cao điểm du lịch, nhiều hoạt động quảng bá, thu hút du lịch sẽ được tổ chức tại Hội An và Cù Lao Chàm như Lễ hội Cảm xúc mùa hè, Lễ Hội hoa Ngô đồng, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Thiên nhiên đã là điểm tựa cho đời sống của gần 3.000 người dân trên đảo, giúp họ có kế sinh nhai không chỉ từ việc đánh bắt hải sản mà còn từ các dịch vụ du lịch. Thế nên, việc bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi, để những tài nguyên vô giá này có thể tiếp tục nâng đỡ cuộc sống con cháu làng biển trong tương lai. Và để mỗi du khách khi đến đây đều được tận hưởng bầu không khí trong lành, thêm yêu vẻ đẹp của Cù Lao Chàm và sẵn lòng quay trở lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước