Thúc đẩy du lịch văn hóa
Bà Trần Thị Hồng Thanh (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn khá mới mẻ, nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch. Phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch và ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bền vững. Nữ đại biểu đã đưa ra câu hỏi về những giải pháp để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch.
Với vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 đã xác định Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa. Du lịch văn hóa đã được xác định là công nghiệp văn hóa. Bộ VHTTDL đã tham mưu cho Thủ tướng tổ chức hội nghị phát triển công nghiệp văn hóa và quan điểm của Thủ tướng là "tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa" để đột phá phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn
"Công nghiệp văn hóa cần phát triển theo hướng sáng tạo, bản sắc, chuyên nghiệp, cạnh tranh và bền vững. Đi theo hướng này, chắc chắn ngành công nghiệp văn hóa của chúng ta sẽ đóng góp vào GDP, hy vọng đến 2030 là 7%", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Bộ trưởng cho rằng giải pháp phải tiến hành đồng bộ, du lịch văn hóa phải chiếm tỷ trọng nhiều hơn, trong bối cảnh du lịch văn hóa mới đóng góp 10-15% trong tỷ trọng du lịch, chưa tương xứng tiềm năng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã lấy dẫn chứng một số địa phương làm rất tốt giải pháp này. Ví dụ như Văn miếu Quốc tử giám trước đây chỉ có học sinh đến khi mùa thi cử, nhưng Hà Nội đã thổi hồn vào đó, giúp thu hút rất nhiều khách. Hoặc Nhà tù Hỏa Lò là nơi giam giữ nhà lãnh đạo, chiến sĩ cách mạng yêu nước, nơi lưu giữ ký ức lịch sử hào hùng, nhưng từ khi có các hoạt động vào buổi đêm, du khách đến trải nghiệm rất đông và có ấn tượng sâu sắc.
Bộ trưởng cho rằng nếu tập trung phát triển du lịch sẽ vừa bảo tồn giá trị vừa giúp nâng cao đời sống nhân dân.
Biểu diễn chèo ở Phú Thọ (Ảnh: Vi Liên)
Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp, lâm nghiệp
Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Phó đoàn Đăk Nông), việc thu hút đầu tư du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay chưa thật hiệu quả. Trong khi đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất giàu bản sắc, giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp và gắn với sản xuất nông nghiệp. Ông đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết giải pháp về chính sách pháp luật về đất đai sử dụng cho mục đích nông nghiệp kết hợp du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết các gói sản phẩm du lịch phải dựa trên tài nguyên, bản sắc văn hóa, dân tộc. Hiện nay, vùng Tây Nguyên đã ra mắt các điểm du lịch cộng đồng và "mọi việc đều đi đúng hướng". Các đồng bào dân tộc có các sản phẩm độc đáo, riêng biệt như ẩm thực, trâu gác bếp, chẩm chéo.
Quy hoạch du lịch kết hợp với nông nghiệp không có bất cập gì, song khai thác du lịch lâm nghiệp còn điểm nghẽn. Bộ trưởng ví dụ, trong trang trại muốn xây nhà nghỉ sẽ không được vì đây chỉ là đất lâm nghiệp, do đó mong muốn của du khách là đến trang trại nghỉ để trải nghiệm, để đắm chìm trong thiên nhiên sẽ không thể thành hiện thực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, vừa qua Quốc hội đã xem xét và Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn thi hành Luật đất đai, trong đó có một mục là đất đa mục tiêu.
"Trong thực hiện mô hình du lịch lâm nghiệp, chính quyền địa phương phải linh hoạt chứ không nên cứng nhắc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!