Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến dư luận phẫn nộ. Điều đáng nói ở đây chính là việc các em thường không chủ động nói ra với cha mẹ việc mình bị xâm hại. "Làm sao để sớm nhận biết trẻ bị xâm hại tình dục?", "Làm gì để phòng tránh cho trẻ khỏi bị xâm hại tình dục?" là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam (ĐHQG Hà Nội) cho biết, trẻ bị xâm hại thường không nói thẳng mà sẽ thử thái độ đánh giá của những người khác về vấn đề này, bộc lộ một số dấu hiệu khác với thường ngày với hy vọng người lớn sẽ bắt được tín hiệu.
Những dấu hiệu có thể rất đơn giản từ hành vi lóng ngóng không tự nhiên khi kẻ xâm hại đến gần, kiếm cớ né tránh khi phải đến nhà kẻ xâm hại như mệt mỏi, buồn nôn; trẻ có tiền, quà tặng không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, tùy theo độ tuổi, trẻ có thể có một số các biểu hiện như: Biểu hiện về cơ thể như mùi cơ thể quá nồng, xây xước quanh miệng, ở vùng riêng tư hoặc vùng kín, đau rát khi tiểu tiện, viêm nhiễm đường tiết niệu…
Về mặt cảm xúc, trẻ có thể có các biểu hiện như lo âu, hay sợ hãi, bám chặt bố mẹ, mè nheo khóc lóc quá nhiều, tỏ ra bí mật, cảm xúc thay đổi đột ngột, dễ nổi nóng.
Trẻ có thể có các biểu hiện hành vi không phù hợp như quá quan tâm đến bộ phận sinh dục của mình hay người khác; hay có hành vi động chạm hoặc so sánh với bộ phận sinh dục của trẻ khác; đầu têu hoặc xúi bẩy trẻ khác chơi trò chơi giới tính; có những hành vi giới tính không phù hợp như thủ dâm, phô bày bộ phận sinh dục trong những hoàn cảnh không phù hợp; dùng các từ tục tĩu; kể chuyện, vẽ tranh nhấn mạnh về bộ phận sinh dục.
Làm gì để phòng tránh cho trẻ khỏi bị xâm hại tình dục?
Theo TS.Trần Thành Nam, điểm mấu chốt nhất là ngay từ nhỏ, cha mẹ, giáo viên cần xây dựng được mối quan hệ tin tưởng cởi mở với trẻ, giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ mà không bị phán xét. Hãy để cho các em cảm thấy được lắng nghe. Thậm chí, có thể chủ động cam kết giữ bí mật và đứng về phía bảo vệ các em.
Bên cạnh đó, cần dạy trẻ cách bảo vệ bản thân từ cách gọi tên chính xác các bộ phận cơ thể. Hiểu về vùng riêng tư và nhận biết thế nào là hành vi đụng chạm đúng đắn. Cách nhận biết cảm xúc và nói ra dự cảm xấu hoặc những bí mật buồn. Cách giữ không gian cá nhân qua quy tắc 5 ngón tay (Ngón cái ôm hôn dành cho ông bà bố mẹ anh chị em ruột; Ngón trỏ nắm tay dành cho bạn bè, thầy cô, họ hàng; Ngón giữa bắt tay dành do những người quen; Ngón nhẫn vẫy tay dành cho người lạ và Ngón út xua tay, không tiếp xúc dành cho người lạ mà bé cảm thấy bất an hoặc có những cử chỉ thân mật quá mức).
Khi gặp những tình huống bất an, trẻ cần biết ứng xử theo quy tắc Cự tuyệt (nói không) - Tránh xa - Nói ra (chia sẻ với 5 người mà mình yêu thương, tin tưởng nhất).
Cùng đọc và chia sẻ với con về những câu chuyện giới tính phù hợp và cùng con tập dượt xử lý các tình huống có thể xảy ra. Ví dụ như "Con sẽ nói gì nếu con không thích nụ hôn tạm biệt của chú hàng xóm?" hay "Con sẽ làm gì nếu có người cứ muốn xem vùng kín của con?"...
Cha mẹ nên xử lý như thế nào khi biết con bị xâm hại tình dục?
Trong tiến trình này, để hỗ trợ con một cách tốt nhất, cha mẹ nên có sự chia sẻ, đồng hành của những nhà tâm lý lâm sàng.
Về phía cha mẹ, khi biết con bị xâm hại tình dục, cha mẹ cần ngay lập tức thiết lập một môi trường an toàn cho con; đánh giá để loại trừ tất cả các mối nguy tiềm năng có thể ảnh hưởng đến con. Cha mẹ cũng cần học cách tự chăm sóc mình để vượt qua cú sốc khi nhận tin để đảm bảo khả năng chăm sóc, hỗ trợ con trong thời gian này.
Trong một môi trường an toàn và quan tâm, cha mẹ bắt đầu trao đổi với trẻ theo cách thể hiện mình tin tưởng con; những điều con làm khi tiết lộ là rất dũng cảm; là rất giá trị vì có thể giúp được nhiều người khác. Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ tự động viên mình bằng những câu nói như: Mọi người đều quan tâm và tin tưởng mình; Mình sẽ vượt qua được chuyện này; Mọi chuyện có thể rất khó chấp nhận lúc đầu nhưng về sau sẽ dễ dàng hơn.
TS. Trần Thành Nam chia sẻ thêm, một trong những vấn đề trẻ bị xâm hại hay gặp nhất đó là chất lượng giấc ngủ và ác mộng. Trẻ thường mất ngủ vì sợ các suy nghĩ, hình ảnh xuất hiện trong đầu. Trước khi đi ngủ, cha mẹ nên yêu cầu con viết các suy nghĩ sợ hãi có thể xuất hiện ra giấy, vo tròn nó lại hoặc xé đi, sau đó tự nhủ giờ tôi sẽ ngủ sâu và nhanh vì những suy nghĩ đáng sợ đã được vứt đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!