Hàng trăm nghiên cứu kể từ đầu những năm 1970 ở nhiều quốc gia trên thế giới đã chỉ ra rằng: "Hạnh phúc của con người theo chiều đi lên đạt đến đỉnh điểm vào khoảng năm 30 tuổi, sau đó giảm xuống ở tuổi trung niên và tăng trở lại sau 70 tuổi".
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nhất của David Blanchflower cho thấy sự thay đổi trong biểu đồ, hạnh phúc bắt đầu ở mức thấp khi còn trẻ và tăng dần theo tuổi tác. "Chúng tôi nghĩ điều đó chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ nhưng… nó xuất hiện ở khắp nơi, đây thật sự là điều rất đáng lo ngại", ông cho biết.
Cùng với các nhà nghiên cứu khác, Blanchflower đã phân tích dữ liệu từ "Hệ thống giám sát yếu tố rủi ro hành vi" của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh. "Chúng tôi tập trung vào những người có tâm lý ở mức cực đoan, thậm chí có ý đinh tự tử". Đến năm 2023, nhóm nghiên cứu đã cho thấy, những người ở độ tuổi từ 18 -25 tuổi trải qua nhiều ngày có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhất trong năm, đặc biệt là phụ nữ trẻ.
Điện thoại thông minh và mạng xã hội được cho là nguyên nhân khiến giới trẻ ngày càng trở nên ít hạnh phúc hơn (Ảnh: CNBC)
Blanchflower cho biết, ông không chắc chắn tại sao những người trẻ tuổi lại có vẻ như đang trải qua nhiều nỗi bất hạnh nhất, nhưng lưu ý rằng xu hướng này đã bắt đầu từ trước đại dịch COVID-19. Yếu tố tiềm năng duy nhất mà Blanchflower có thể xác định được là sự phổ biến của mạng xã hội và điện thoại thông minh.
Đồng tình với quan điểm này, nhà tâm lý học Amber Wimsatt Childs, Phó Giáo sư khoa Tâm thần trường Đại học Yale cho rằng: "Mạng xã hội đã khuếch đại những vấn đề vốn đã tồn tại từ lâu. Bên cạnh đó, các ứng dụng như Snapchat, Instagram và TikTok cung cấp cho mọi người thêm thông tin và có thể dẫn đến sự so sánh giữa những người cùng trang lứa trên diện rộng".
"So sánh bản thân với người khác là hiện tượng tâm lý phổ biến nhưng nếu không có mạng xã hội thì phạm vi so sánh chỉ giới hạn nhóm người mà bạn quen biết", bà nói thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!