Khi về già, trạng thái tâm lý, sức khỏe của người cao tuổi sẽ có những thay đổi rõ rệt, một phần bị tác động bởi môi trường xã hội, đặc biệt là môi trường văn hóa - tình cảm và quan trọng hơn hết là môi trường gia đình. Người cao tuổi thường có tâm lý sợ cô đơn và mong muốn được chăm sóc nhiều hơn.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2022, dân số Việt Nam có khoảng 12 triệu người cao tuổi, chiếm 11,4% tổng dân số cả nước. Trong đó có khoảng 3,3 triệu người cao tuổi sống cô đơn, chiếm 27,5% tổng số người cao tuổi.
Ngày nay, người cao tuổi gặp phải sự thay đổi trong vai trò xã hội và gia đình, có xu hướng sống gần con cháu, thay vì sống chung 3-4 thế hệ cùng nhau như trước kia. Do mô hình gia đình ngày càng thu nhỏ và con cái bận rộn, dẫn đến việc thiếu đi sự quan tâm và chăm sóc giữa các thành viên. Tuy nhiên, theo Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khảo sát tại TP.Hồ Chí Minh, chỉ có 54,5 % người cao tuổi hài lòng với việc sống chung với gia đình mở rộng; tức là cứ 2,2 người cao tuổi thì có một người không hạnh phúc khi chung sống với con cháu.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc người cao tuổi đang chuyển dần từ chăm sóc trực tiếp sang chăm sóc gián tiếp, từ chăm sóc vật chất sang chăm sóc tình cảm, tinh thần. Vì vậy, cho dù sống riêng hay sống chung với con cháu, việc chuẩn bị, tạo điều kiện tốt và phù hợp nhất để người cao tuổi có một tinh thần thoải mái và duy trì tâm lý ổn định là rất quan trọng.
Duy trì kết nối với con cháu sẽ giúp người cao tuổi bớt cảm giác cô đơn
"Nhiều người nghĩ rằng người cao tuổi cần phải có con cái ở bên để không cô đơn nhưng không phải như vậy. Cô đơn liên quan đến cảm giác của mỗi người về sự kết nối. Đôi khi chúng ta ở giữa một đám đông mà vẫn có cảm giác cô đơn. Chính vì vậy, quan trọng nhất để giúp giảm cảm giác cô đơn này là làm sao con cháu giúp người lớn tuổi duy trì được sự kết nối xã hội với người thân trong gia đình và với cộng đồng. Tùy từng bối cảnh mà con cháu có thể làm việc này một cách "đúng" và "phù hợp". Ví dụ: làm một cách "tự nhiên" như đến dịp thì về thăm ông bà, nhưng cần sự thống nhất và quy định rõ ràng để con cháu nhận biết rõ cơ hội, nhiệm vụ kết nối, nhất là các cháu bé còn có ít cảm nhận kết nối với ông bà; đồng thời việc này cũng giúp ông bà biết rõ hơn con cháu sẽ kết nối với mình như thế nào để có sự chuẩn bị phù hợp", TS.BS Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số chia sẻ
Nhu cầu gần gũi và kết nối trực tiếp với con cháu của thế hệ lớn tuổi trong gia đình chưa bao giờ giảm. Các quốc gia có tỷ lệ dân số già như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc hay khu vực châu Âu,… đã đầu tư nhiều vào cải thiện chính sách, hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc nhằm hỗ trợ xử lý các căn bệnh tuổi già, duy trì sức khỏe cũng như tinh thần cho người cao tuổi.
Tại Việt Nam, các mô hình sinh hoạt tập thể, sinh hoạt cộng đồng cho thấy đời sống tâm lý và nhu cầu của người cao tuổi ngày càng được quan tâm và mở rộng, vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Hội Người cao tuổi, các phong trào tôn vinh như "Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi", "Tuổi cao gương sáng"... cũng từ đó được phát huy. Bản thân mỗi gia đình, tổ chức xã hội cũng đang có nhiều cách làm khác nhau để thu hẹp khoảng cách thế hệ, xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi có cuộc sống an toàn, ý nghĩa lành mạnh và thân thiện.
Các chuyên gia khuyến khích người cao tuổi nên tham gia các hoạt động gắn kết để lưu giữ kỷ niệm, giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau
Cũng theo TS.BS Hoàng Tú Anh: "Ngoài các dịp kết nối trực tiếp, nên tận dụng các kết nối online, lập nhóm trò chuyện gia đình. Hàng ngày con cháu gọi điện, nhắn tin, video call, gửi hình ảnh, cũng giúp người cao tuổi cảm thấy sự gần gũi gắn bó. Cha mẹ ông bà cũng có thể kết nối với nhóm người cao tuổi ở nơi họ sống hay những người cao tuổi khác trong dòng họ thông qua các hoạt động cộng đồng". Bên cạnh đó, "để chuẩn bị, con cháu cũng cần sẵn sàng tâm thế, tìm hiểu thông tin về các hoạt động cộng đồng này để kết nối cha mẹ, hướng dẫn các kỹ năng online bao gồm cả các biện pháp an toàn phòng tránh lừa đảo, bị lợi dụng. Đa phần con cháu lại có thái độ quá lo sợ về sự an toàn của người cao tuổi nên lại kiểm soát, hạn chế người cao tuổi vào các hoạt động kết nối, tiếp xúc. Có một cách tiếp cận cân bằng, tin tưởng vào khả năng của người cao tuổi là rất quan trọng".
Cho dù tâm lý khi về già có phần trở nên phức tạp, người cao tuổi vẫn luôn là trụ cột về tinh thần cho tất cả con cháu trong gia đình. Họ sẽ không còn cảm thấy cô đơn khi sống trong sự thương yêu, chăm sóc, thấu hiểu và gắn kết với các thành viên. Và hơn thế, khi coi trọng, kết nối, lắng nghe thế hệ đi trước, con cháu sẽ nhận được nhiều bài học về truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam - gia phong, gia đạo, gia lễ, gia hiếu… để góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, văn minh và hạnh phúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!