Đến năm 2020, xe bus sẽ đáp ứng 25% nhu cầu của người dân

Minh Đức-Thứ ba, ngày 18/10/2016 06:17 GMT+7

VTV.vn - Thành phố hà Nội đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 sẽ có thêm nhiều tuyến xe bus mới, mở rộng địa bàn phục vụ, đáp ứng gấp đôi nhu cầu đi lại của người dân so với hiện nay

Sau nhiều năm vận hành và phát triển, hệ thống xe bus Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực. Hướng đến việc đáp ứng được 20 - 25% nhu cầu đi lại của người dân, gấp đôi so với hiện nay, thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có thêm nhiều tuyến xe mới, mở rộng địa bàn phục vụ ra khu vực ngoại thành.

Trong Quyết định 280/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe bus mới ban hành, Chính phủ khẳng định rõ quan điểm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, xe bus vẫn đóng vai trò then chốt và là phương tiện chiến lược của các đô thị trong việc khắc phục tình trạng ùn tắc, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

Với chính sách hỗ trợ cho phát triển vận tải hành khách công cộng, những năm qua, xe bus Hà Nội đã gia tăng nhanh về số đầu tuyến, phương tiện và năng lực cung ứng, từng bước xây dựng hình ảnh thân thiện với người dân. Giai đoạn 2001-2015, số lượng tuyến tăng 2,7 lần, từ 31 lên 83 tuyến, cơ bản đã phủ kín 12 quận và phát triển mở rộng đến 26/40 khu vực huyện, trung tâm hành chính các huyện.

Đến năm 2020, xe bus sẽ đáp ứng  25% nhu cầu của người dân  - Ảnh 1.

Nhiều tuyến xe bus mới chất lượng đã được đưa vào sử dụng, khiến hành khách rất hài lòng và đánh giá tôt

Trước kế hoạch phát triển, mở rộng hơn nữa hệ thống xe bus, Sở Giao thông - vận tải Hà Nội và Công ty xe bus Hà Nội đã dự kiến 3 kịch bản phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Theo đó, kịch bản 1 theo hướng phát triển thấp: Nếu vận tải hành khách công cộng phát triển theo xu thế tự nhiên, không có sự thay đổi về cơ chế chính sách thì đến năm 2020 xe bus sẽ đáp ứng khoảng 11,6% và năm 2025 là 13,4% nhu cầu đi lại. Kịch bản 2 theo hướng hợp lý: Đến năm 2020, khi đã có 1 tuyến đường sắt đô thị và 1 tuyến xe bus nhanh BRT đi vào hoạt động, xe bus thường đáp ứng khoảng 15% nhu cầu và đạt 20% vào năm 2025. Và kịch bản 3 theo hướng phát triển cao được đưa ra là đáp ứng 16,7% vào năm 2020 và 22,1% vào năm 2025.

Trong 3 kịch bản nói trên, đơn vị tư vấn lựa chọn kịch bản 2, dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ có 128 tuyến xe bus (mở mới 31 tuyến) và đầu tư thêm khoảng 500 xe; đến năm 2025 có 160 tuyến (tiếp tục mở thêm 32 tuyến) và đầu tư thêm 514 xe, nâng tổng đoàn phương tiện lên 2.568 xe. Như vậy, xe bus sẽ được mở rộng, kết nối tới nhiều thị trấn, nhiều vùng ngoại thành hiện chưa tiếp cận được. Cùng với các tuyến bus trục sẽ có thêm các tuyến bus gom để tăng khả năng kết nối, luân chuyển…

Nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ ủng hộ chủ trương phát triển xe bus song cũng chỉ rõ những thách thức mà thành phố phải đối mặt, phải giải quyết được những thách thức thì mới thực sự tạo được điều kiện cho xe bus phát triển. Mà điều đang khiến các chuyên gia đau đầu hiện nay chính là quỹ đất xây dựng hạ tầng phục vụ xe bus còn đang thiếu. Để phát triển được xe bus trước hết cần tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng.

Đến năm 2020, xe bus sẽ đáp ứng  25% nhu cầu của người dân  - Ảnh 2.

Cân phải nâng chất lượng phục vụ hơn nữa để hấp dẫn hành khách sử dụng phương tiện công cộng

Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội, để phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe bus, thành phố cần có chính sách ưu tiên phát triển hệ thống này với các nhóm giải pháp đồng bộ. Cần phát triển mạng lưới và cơ sở hạ tầng tuyến xe bus; tiếp đó cần đầu tư để nâng cao chất lượng xe bus, đổi mới đoàn phương tiện với các phương tiện mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành xe bus, tăng cường hệ thống thông tin phục vụ hành khách tại các điểm đầu cuối, điểm dừng đón trả khách. Áp dụng hệ thống vé điện tử, ổn định giá vé tạo thuận lợi cho hành khách đi lại, đồng thời tăng cường khả năng quản lý.

Đồng thời, để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cần có cơ chế, chính sách nhất quán ưu tiên phương tiện vận tải hành khách công cộng và hệ thống này phải tiện lợi, hấp dẫn hành khách. Nếu dịch vụ vận tải hành khách công cộng có chất lượng phục vụ tốt, thì sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước