Những cá thể bé nhỏ chào đời sau nhiều năm tưởng như hết hy vọng đã mở ra nhiều cơ hội trong việc bảo tồn sự đa dạng sinh học ngay tại môi trường bán tự nhiên.
Silverio là chú tê giác trắng mới ra đời ở Sở thú Buin, tại Thủ đô Santiago (Chile). Sự ra đời của chú tê giác trắng này là một "thành tựu lớn" đối với các nhà bảo tồn động vật. Trong năm qua, tính trên toàn thế giới, chỉ có tám con tê giác trắng phương Nam khác được sinh ra. Trước đó, những nỗ lực ghép đôi để sinh sản, nhân giống đối với loài vật này ở sở thú tưởng như đã tan thành mây khói nhưng cô tê giác Hannah (mẹ của Silverio) đã mang đến niềm hy vọng mới.
Silverio ra đời trong bối cảnh số lượng tê giác trắng đang ngày một ít. Loài tê giác trắng phương Bắc được xem là đã tuyệt chủng dù các nhà khoa học quốc tế đã khởi động kế hoạch táo bạo để hồi sinh thông qua phương pháp hỗ trợ sinh sản và nghiên cứu tế bào gốc. Trong khi đó, tê giác trắng phương Nam, họ hàng gần với loài phương Bắc, phổ biến hơn về số lượng với khoảng hơn 10.000 cá thể trên toàn thế giới, phần lớn đang được chăm sóc trong các sở thú.
Tê giác trắng Silverio và mẹ tại Sở thú Buin ở Santiago, Chile (Ảnh: AFP)
Tê giác trắng phương Nam cũng từng phải đối diện với nạn săn bắt đầu thế kỷ 19 dẫn đến gần như biến mất. Nhờ những nỗ lực bảo tồn quyết liệt trong vài thập kỷ qua, loài này đã dần thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng, trở thành ví dụ hiếm hoi, là điểm sáng cho sự phục hồi mạnh mẽ của giống loài. Vì thế, sự xuất hiện của những tê giác như Silverio đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Những bước chân đầu tiên của Silverio khi 12 ngày tuổi, sau quá trình được chăm sóc y tế đặc biệt, đã trở thành tiêu đề trên nhiều mặt báo.
Hai hổ con Tochka và Timur (Ảnh: AP)
Giữa tháng 7/2024, tại Sở thú ở Cologne (Đức), hai chú hổ Amur con mang tên Tochka và Timur lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng. Hổ Amur, còn được gọi là hổ Siberia, được tìm thấy ở vùng Viễn Đông của Nga và Đông Bắc Trung Quốc, được coi là loài thuộc sách đỏ cực kỳ nguy cấp. Loài này còn được biết đến với tên gọi “Chúa tể rừng Taiga”. Tuy nhiên, từ những năm 1950, do nạn săn bắt quy mô lớn và tàn phá môi trường sống, quần thể này đã suy giảm nghiêm trọng. “Chúng tôi rất vui mừng và tự hào về thế hệ con cháu của loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao!” - người quản lý sở thú cho biết. Ông cũng chia sẻ thêm rằng, 240 con hổ Amur trong các vườn thú hiện đang tham gia một chương trình của châu Âu nhằm giúp bảo tồn và nhân giống loài động vật này. Hổ mẹ Katinka của cặp hổ con được đưa tới từ sở thú Nuremberg vào mùa Hè năm ngoái để đổi lấy hổ Akina ở Cologne sau khi những cặp hổ hiện tại ở cả hai sở thú đã lâu không sinh con.
Đười ươi Sumatra có thêm cá thể mới ở sở thú Philadelphia (Mỹ). (Ảnh: Parade Pets)
Trong khi đó, ở Sở thú Philadelphia (Mỹ), loài đười ươi Sumatra cũng vừa có thêm một cá thể mới chào đời, sau 15 năm chờ đợi, nỗ lực. Vườn thú Philadelphia đang thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt cho đười ươi bé nhỏ. Sự ra đời của cá thể đặc biệt này là một phần của chương trình nhân giống nhằm đảm bảo sự sống còn của loài đười ươi Sumatra và duy trì sự đa dạng về mặt di truyền của quần thể. Đười ươi Sumatra được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách loài cực kỳ nguy cấp với quần thể còn lại 14.000 con trên đảo Sumatra (Indonesia). Đười ươi là loài sống đơn độc nhất trong số các loài vượn lớn, nhưng chúng thể hiện tính xã hội rộng rãi, tích cực giao lưu trong phạm vi sinh sống của mình. Vào năm 1928, Sở thú Philadelphia đã là nơi đầu tiên nhân giống thành công đười ươi. Kể từ đó, tại đây đã có thêm 19 ca sinh nở thành công.
Kền kền non ra đời ở Sở thú Los Angeles (Ảnh: AP)
Loài vượn cáo cây trong sách đỏ cực kỳ nguy cấp vốn chỉ tồn tại ở Madagascar cũng có thêm cá thể mới từ Sở thú Charles Paddock (bang California, Mỹ) vào tháng 4 vừa qua. Trong khi đó, ở Sở thú Columbus, một chú khỉ đột (thuộc giống Western Lowland Gorilla) đã chào đời, ghi thêm điểm sáng trong nỗ lực bảo vệ quần thể loài vật này trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng do dịch bệnh và nạn săn bắt trộm. Thần ưng (kền kền) California - loài chim lớn nhất ở Bắc Mỹ - thuộc diện cực kỳ nguy cấp cũng được chặn đà tuyệt chủng khi nhiều chim non ra đời ở Sở thú Los Angeles (Mỹ). Các chim non khi đủ điều kiện sẽ được thả về tự nhiên như một phần của chương trình phục hồi loài thần ưng nổi tiếng, mang tính biểu tượng của California, đồng thời là một trong những loài chim quý hiếm nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!