Không chỉ được biết đến như một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, đình Tây Đằng còn sở hữu nhiều nét kiến trúc độc đáo, có một không hai. Kiến trúc của đình chỉ có một nếp nhà kiểu chữ nhất, kết cấu ba gian, hai dĩ, dàn hàng ngang bề thế, với bộ mái xòe rộng ra bốn phía và kéo dài xuống thấp, được xây dựng vào năm Canh Thân triều vua Nguyễn Tự Đức.
Một trong những chi tiết gây ấn tượng với du khách là những tác phẩm mỹ thuật dân gian tuyệt mỹ. Các bức chạm khắc mô tả sống động đời sống của người Việt cổ, từ thuở sơ khai với hoạt động săn bắt, hái lượm, thuần hóa động vật hoang dã đến khi chống giặc và đất nước thanh bình. Và tài tình hơn, toàn bộ hơn 1.300 chi tiết chạm khắc gỗ trong đình không hề trùng nhau và được bố trí rất hài hòa, thể hiện tư duy, trí tuệ của người Việt cổ.
Bên cạnh vẻ đẹp về mặt kiến trúc, nghệ thuật, đình Tây Đằng mang giá trị văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa. Đây là nơi thờ Tản Viên Sơn thánh – một trong Tứ bất tử đã chế ngự được thiên nhiên, được dân chúng suy tôn là bậc thánh. Hàng năm để gìn giữ bản sắc của làng, người dân đã tổ chức lễ hội truyền thống trong vòng bốn ngày, bắt đầu từ ngày 10/1. Đình Tây Đằng đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt và cũng đặt ra trách nhiệm lớn với người dân địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích này.
Hiện khu di tích đình Tây Đằng đang nằm trong dự án gắn kết các điểm đến du lịch trọng điểm trong khu vực. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả, đồng bộ việc nghiên cứu và bảo tồn, nhằm biến khu di tích thành những điểm đến lịch sử hấp dẫn cho thế hệ hôm nay.