Mỗi dịp Hè về, câu chuyện sân chơi cho trẻ trong khu đô thị lại nóng lên. Điểm vui chơi công cộng thiếu, không gian sinh hoạt cộng đồng không có, môi trường ngột ngạt dẫn tới thực trạng trẻ có xu hướng thụ động khi ngồi ở nhà xem tivi, chơi game, mạng xã hội… ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tinh thần. Ở nhiều nơi, các em nhỏ không có sân chơi phải trượt patin, đá bóng trên vỉa hè, chơi dưới lòng đường dẫn tới tai nạn giao thông. Ngày Hè vui chơi ở đâu, câu hỏi ấy là nỗi lo của nhiều người khi sân chơi bị chiếm dụng, ngày càng bị bó hẹp.
"Hiện nay sân chơi trong nội đô thành phố Hà Nội chỉ đạt 1,7m2/người, thấp hơn mức bình quân. Còn nếu về không gian xanh công cộng gồm cây xanh hè phố và những nơi khác nữa thì Hà Nội mới đạt 5m2, trong khi tối thiểu phải đạt 7m2. Mục tiêu Hà Nội phấn đấu là đạt 12 – 15m2 cây xanh/ người. Rõ ràng chúng ta không đạt được mức này", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ.
Tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi cho trẻ em có nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế, kinh phí đầu tư cho các công trình còn ít so với nhu cầu, thiếu quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em. Nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng, sân chơi bị hàng quán, chợ cọc, bãi xe lấn chiếm. Sân chơi không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn. Sân chơi quá xa khu dân cư dẫn tới trẻ bị mất an toàn, trẻ có thể bị quấy rối, bắt nạt, xâm hại. Nhưng cũng có những nơi công trình hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang cỏ mọc.
Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á ký phê chuẩn, cũng như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam đều khẳng định trẻ em có quyền vui chơi, giải trí và phát triển văn hóa tinh thần. Thiếu sân chơi là bài toán đặt ra cho các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng và thi hành các thiết chế đảm bảo quyền vui chơi, giải trí của trẻ em.
Với thủ đô Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng 9 công viên mới nhưng các dự án này đều chậm tiến độ. Trong khi đó, gia tăng dân số cơ học ngày càng lớn, mỗi 5 năm sẽ tăng thêm 1 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc sức ép lên không gian công cộng cho trẻ em ngày càng lớn hơn. Đây cũng là bài toán chung cho các đô thị trên toàn quốc. Đặc biệt trong thời đại số, để kéo các em khỏi điện thoại, máy tính thì không gì bằng các trò chơi ngoài trời thú vị. Các trò chơi vận động còn giúp trẻ vận động thể chất và kỹ năng giao tiếp xã hội, từ đó giúp trẻ tự tin, hòa đồng. Tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ được thoải mái chơi đùa là trách nhiệm của người lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!