Hội thổi cơm thi là một trong những Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của thành phố Hà Nội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL vào năm 2021. Không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, Hội thổi cơm thi còn tượng trưng cho cây cầu truyền thống, gắn kết văn hóa tốt đẹp của người Việt qua nhiều thế hệ.
Hội thi bao gồm 4 đội đến từ 4 tổ khác nhau, tượng trưng cho 4 giáp làng Thị Cấm xưa, mỗi đội gồm khoảng 10 người thi. Các vật dụng sử dụng trong thi gồm có: chày, cối, rơm, nồi.....
Các vật dụng được chuẩn bị trước khi bắt đầu
Đầu tiên, người dự thi mỗi đội sẽ chuẩn bị bùi nhùi, bện rơm thành từng cuộn dài để làm chất đốt tạo ra lửa, đồng thời làm đệm cho cối đá tránh thóc bắn ra ngoài. Rơm phải được bện thật chặt để giữ ngọn lửa được lâu và cháy đều.
Tiếp theo đó, các nam thanh niên mỗi đội tham gia phần thi kéo lửa theo phương pháp cổ xưa, đây cũng chính là phần thi sôi động nhất của Hội. Năm nay đội số 4 đã trở thành đội đầu tiên kéo lửa nhanh nhất.
Để tạo lửa, các đội thi lấy hai thanh nứa kẹp vào bùi nhùi, dùng hai thanh tre ốp lại, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co
Sau khi có được mồi lửa, thành viên nam của các đội nhanh chóng giã thóc trong các cối đá. Giữa tiếng hò reo vang dội và sự cổ vũ cuồng nhiệt của dân làng cùng du khách, thanh niên lần lượt trổ tài giã thóc, hòa mình vào không khí rộn ràng của lễ hội.
Khung cảnh giã thóc của đội thi
Nối tiếp công đoạn giã thóc, lúc này các bà, các chị trong mỗi đội đảm nhiệm nhiệm vụ sàng để sạch trấu cám, vo sạch gạo mang đi thổi cơm.
Công đoạn sàng sảy, nhặt sạn và vo gạo được thực hiện nhanh chóng
Giữa màn khói lửa trong sân đình, bốn nồi cơm được đặt lên bếp, báo hiệu vòng thi cuối cùng sắp bắt đầu. Khi ấy, các đội thi sẽ ủ nồi cơm trong đống than rơm để đảm bảo cơm chín đều. Để đánh lạc hướng ban giám khảo, họ thổi lửa tạo ra nhiều đống tro rơm, mô phỏng chiến thuật phân tán mục tiêu mà cha ông ta từng sử dụng trong quá khứ.
Sau một tuần hương, ban giám khảo sẽ tìm kiếm bốn nồi cơm giữa vô số đống tro. Nếu không bị phát hiện, các đội có thêm thời gian ủ, giúp cơm chín đều hơn.
Cơm được nấu trong sự chờ đợi hồi hộp và háo hức của người dân
Nồi cơm được giấu trong đống than rơm
Sân đình nghi ngút khói giữa đống tro rơm do các đội đốt nhằm đánh lạc hướng
Ban giám khảo gõ trống đi tìm 4 nồi cơm trong sân
Bốn nồi cơm được tìm thấy mang vào đình chính để kiểm tra, xới ra bốn bát cơm từ mỗi đội dâng Thành hoàng làng
Sau phần dâng cơm Thành hoàng làng, ban giám khảo hạ bước vào công đoạn chấm điểm công khai. Người dân và thành viên các đội háo hức, tập trung quanh đình làng với mong muốn tìm ra đội chiến thắng, nhiều người dân chuẩn bị sẵn túi nilon để xin cơm.
Bà Nguyễn Thị Oanh (tổ dân phố số 6 Phương Canh) bộc bạch rằng, Hội thổi cơm thi luôn là sự kiện yêu thích của bà trong năm. “Giống như một đặc sản không thể thiếu của Thị Cấm, tôi lúc nào cũng tự hào và háo hức mỗi dịp tham gia Hội khi lễ Tết về”, bà Oanh chia sẻ thêm.
Sau khi kết quả hội thi được công bố, dân làng cùng nhau chia sẻ những hạt cơm dâng cúng Thành hoàng, coi đó như lộc đầu năm.
Người Thị Cấm tin rằng, ai ăn cơm này sẽ gặp nhiều may mắn suốt cả năm, còn trẻ nhỏ ăn vào sẽ mau lớn, khỏe mạnh và học hành tấn tới. Tiếng cười nói râm ran hòa cùng hương thơm của cơm mới, tạo nên một khoảnh khắc ấm áp, mở đầu cho một năm mới tràn đầy hy vọng và phước lành.
Hội đền Huyền Trân và dấu ấn mở cõi VTV.vn - Hàng nghìn người dân khắp nơi đã đổ về dự lễ hội đền Huyền Trân vào sáng mồng 9 Tết (6/2) tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, TP Huế).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!