Lễ Trung thu được tổ chức thường niên rầm rộ ở một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... Tại mỗi nền văn hóa, mỗi khu vực và mỗi cộng đồng, Tết Trung thu lại mang những màu sắc khác nhau.
TRUNG QUỐC
Tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, người dân Cám Châu đón Trung thu bằng một hoạt động tập thể gọi là “Tháp Cháy”. Mọi người sẽ nhảy múa xung quanh một tháp lửa cao 3m, được dựng lên từ gạch ngói. Đây là một truyền thống địa phương đã có tới 800 năm lịch sử.
Anh Zhong Hanmin, người dân Cám Châu cho biết: “Hoạt động đốt tháp này làm mọi người rất vui. Chúng tôi cảm giác có sức sống mãnh liệt và rạng ngời giống như một ngọn lửa”.
Tại Thượng Hải, thức ăn truyền thống của ngày Tết Trung thu không phải là bánh nướng, bánh dẻo, mà là bánh gối. Bánh gối rán nhân chay sẽ được chuẩn bị cho dịp Rằm tháng Tám, người dân tại đây ưa chuộng bánh này vì hình dạng của nó trông giống như một vầng trăng.
Một trong những hoạt động cũng hết sức phổ biến và mang đậm nét văn hóa Á Đông trong dịp Trung thu đó là múa lân, múa rồng. Cứ trước ngày Rằm, Lễ hội múa rồng Tai Hang, Hong Kong lại được tổ chức, thu hút nhiều nghệ nhân và những người thăm quan. Khởi nguồn từ làng Tai Hang, Hong Kong, truyền thống làm rồng lửa đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và chưa hề phai nhạt kể từ khi ra đời năm 1880. Đối với người dân nơi đây, rồng mang một ý nghĩa biểu tượng to lớn.
Một người dân địa phương chia sẻ: “Tôi tới đây để xem múa rồng và cầu ước hòa bình và thịnh vượng cho Hong Kong”.
Trăng rằm dịp Trung thu là lúc trăng tròn và đẹp nhất trong năm. Tận dụng khoảng thời gian này, nhiều hãng hàng không tại Trung Quốc cũng đã đưa ra một dịch vụ rất hút khách là cung cấp các chuyến bay ngắm trăng rằm. Trong quá trình bay, máy bay sẽ bay nghiêng một góc để tạo điều kiện tốt nhất cho hành khách có thể ngắm, chụp ảnh mặt trăng thuận tiện hơn.
HÀN QUỐC
Ngày lễ rằm tháng 8 ở Hàn Quốc có tên Chuseok. Chuseok nghĩa đen là đêm mùa thu, là đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm. Trước kia Chuseok diễn ra vào mùa thu - mùa của sự thu hoạch. Do đó, ngày lễ này còn mang ý nghĩa hội mùa. Vào ngày này, người Hàn sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo... để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên.
Sau này, Chuseok càng mang nhiều ý nghĩa hơn. Nó không chỉ là lễ hội thu hoạch mà còn là ngày lễ tưởng nhớ những người đã khuất, là ngày sum họp đoàn tụ gia đình. Ngày nay, Chuseok được coi là dịp lễ tạ ơn ở Hàn - là ngày mà mọi người bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.
VIỆT NAM
Trong khi đó ại Việt Nam, Trung thu đã trở thành ngày Tết của trẻ em với nhiều tên gọi như “Tết trông Trăng” hay “Tết Đoàn viên”. Tất cả trẻ em ai ai cũng háo hức đón Tết Trung thu, vì thường được người lớn tặng đồ chơi và thưởng thức những miếng bánh nướng, bánh dẻo truyền thống.
Sau đây là VIDEO ghi lại không khí ngày Tết Trung thu ở Trung Quốc.