Theo các nghệ nhân, để làm ra được những đầu lân đẹp phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tỷ mẩn. Làm đầu lân có 2 cách, một là làm bằng khuôn rồi bồi giấy lên khuôn. Hai là làm bằng khung sườn. Những "khuôn lân" được tạo hình bằng những thanh tre lồ ô và mây rừng. Sau khi hoàn thành công đoạn này, người thợ sẽ dán lên đầu lân một lớp vải, lớp giấy rồi đem phơi nắng. Tiếp đó là công đoạn vẽ trang trí cho sản phẩm. Ở bước này cần có sự phối hợp màu sắc, trang trí từ đầu lân đến đuôi lân để làm nổi bật thần thái, dũng mãnh, uy vũ của lân Huế...
Đầu lân Huế luôn có thần thái dũng mãnh
Ban đầu, lân Huế chỉ có hai màu đỏ và vàng tượng trưng cho may mắn, tài lộc và thịnh vượng. Tuy nhiên, thị trường lân ngày nay đã đa dạng hơn với nhiều sắc màu từ xanh lá, xanh dương, cam, hồng cho đến tím.
Đầu lân cũng ngày càng nhiều màu sắc hơn cho hợp thị hiều
Nghề làm đầu lân ở Huế thường là cha truyền con nối. Ngoài đầu lân, các cơ sở cũng cung cấp các mặt hàng đạo cụ đi kèm như trống, chũm chọe, thanh la, bộ đồ ông địa, chú tễu.. mỗi dịp Tết Trung thu. Giá thành mỗi chiếc đầu lân dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy theo kích thước và độ tinh xảo.
Bên cạnh đầu lân các cơ sở còn sản xuất các mặt hàng đạo cụ đi kèm
Ở Huế, lân sư rồng xuất hiện mỗi mùa Tết Trung Thu với ý nghĩa mang điềm lành đến từng nhà. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của người dân cố đô. Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành nhiều sự quan tâm với việc tổ chức Liên hoan Múa Lân Huế. Hoạt động này cũng góp phần duy trì, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật múa dân gian đường phố của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!