Độc đáo những “thượng gia hạ kiều” ở Pù Luông

Lê Quân-Thứ năm, ngày 02/07/2015 17:43 GMT+7

VTV.vn - Ở xã Lũng Cao (thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) hiện còn 6 chiếc “thượng gia hạ kiều”.

“Thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu) hay còn gọi là ­“Đình kiều” (trên cầu có đình) là kiến trúc cổ của những chiếc cầu gỗ có mái che phía trên, bắc ngang sông suối. Ở Việt Nam, số lượng cầu được dựng theo kiến trúc này hiện không còn nhiều. Và, hầu hết những cây cầu sót lại đều đã được công nhận là các di tích văn hóa, như Chùa Cầu (Hội An), cầu Thanh Toàn (Huế), cầu Nhật, Nguyệt (chùa Thầy, Hà Nội), chùa Ngói (Nam Định)…

Trong rất nhiều cây cầu với kiến trúc đặc biệt này nằm rải rác khắp các tỉnh thành, xã Lũng Cao (thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) cũng đóng góp 6 chiếc “thượng gia hạ kiều”. Mỗi bản ở địa phương này có ít nhất một chiếc, riêng bản Trình có 2 chiếc. Các cây cầu này đều có tuổi thọ lâu đời, thậm chí, người già trong bản cũng không nhớ nổi ai là người đầu tiên dựng nên chúng.

Đặc biệt, cả 6 cây cầu này đều bắc ngang dòng suối Nủa chảy qua xã. Có chiều dài khoảng 25km, suối Nủa là con suối dài nhất huyện Bá Thước, bắt nguồn từ mỏ nước bản Nủa, chảy qua các bản Hin, Bố, Trình, Cao của xã Lũng Cao rồi chảy sang các xã Cổ Lũng, Ban Công rồi đổ vào bờ Bắc sông Mã. Suối Nủa được ví như xương sống của cả vùng, giữa các bản và nương ruộng, vì vậy, việc qua lại bằng cầu vẫn rất quan trọng.

Khác với những nơi khác, “thượng gia hạ kiều” thường được xem là các chứng tích lịch sử, ít sử dụng, thì tại Pù Luông, những cây cầu này đều phục vụ thiết thực cuộc sống của người dân hàng ngày. Xe cộ, công cụ lao động, nông thổ sản… đều theo người dân qua lại đôi bờ, về bản, ra ruộng trên những “thượng gia hạ kiều”. Hàng ngày, việc trú mưa, tránh nắng của người dân làm ruộng vẫn thường diễn ra dưới mái che của cầu. Buổi tối trăng thanh gió mát mới có các đôi nam nữ đến cầu tình tự.

Mái che của cầu, theo kinh nghiệm từ xưa của bà con, chủ yếu nhằm bảo vệ các trụ gỗ và mái sàn tránh bị mưa gió làm hư hỏng, mối mọt. Vậy nên, mái che luôn được bà con chú ý tu sửa sau mỗi mùa mưa bão. Các đợt “trùng tu” này đều do dân bản tự nguyện đóng góp hoặc theo phân công của trưởng bản. Một số hộ góp chung một cây gỗ, một số khác góp dăm tấm gianh, người góp công dựng sửa, người góp cơm rượu… Ai cũng vui vẻ với công việc này, dù điều kiện kinh kế của bà con còn khá nhiều khó khăn.

Cây cầu dài nhất tại Pù Luông có lẽ là cầu của bản Cao, chừng 25m, rộng khoảng 2m, với 3 nhịp cầu và 6 trụ gỗ lớn. Cầu được lát những tấm ván gỗ dưới sàn, không có lan can, nhưng mái gianh che chắn phía trên rất dày. Theo người dân địa phương, mỗi lần sửa cầu phải tốn chừng 600 tấm gianh để lợp mái, cứ 3-4 năm thì sửa một lần. Các cầu bắc qua bản Trình tuy bé hơn chút ít, nhưng có công dụng nhiều hơn hẳn do lượng người xe qua lại mỗi ngày rất đông.

Lũng Cao hiện nay thuộc đất của Mường Khoòng xưa - một trong 4 mường cổ và lớn nhất xứ Thanh. Vào thời Lê Trung hưng, Mường Khoòng là mường quan trọng của người Thái cả nước, có vai trò bậc nhất trong công cuộc phù Lê diệt Mạc, nên rất được triều đình ưu ái. Theo nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học địa phương, những “thượng gia hạ kiều” ở Lũng Cao có thể đã được dựng từ thời gian đó.

Đến nay, tiếp nối, gìn giữ nét đẹp xưa, các cây vẫn giữ nguyên dáng dấp và vai trò cũ, như hàng trăm năm trước.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước