TP. Đà Lạt vốn là điểm đến yêu thích của nhiều du khách từ Bắc vào Nam, bởi khí hậu mát mẻ, se lạnh, bởi những đồi thông dường như đã trở thành biểu tượng. Thế nhưng dịch lên chút nữa khoảng 30km theo đường đi Nha Trang, tôi còn được đặt chân đến Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Không những mang khí hậu đặc trưng như ở Đà Lạt, Vườn quốc gia còn trong lành và dễ chịu hơn rất nhiều bởi không có khói bụi, không ồn ào.
Sở hữu diện tích gần 70.000 ha, nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang, VQG Bidoup Núi Bà có lẽ là VQG có diện tích rừng thông lớn nhất cả nước với 2 loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam và khu vực Đông Dương là thông 5 lá Đà Lạt và thông 2 lá dẹt. Các kiểu rừng đặc trưng của VQG là rừng lá kim, rừng lá rộng, rừng hỗn giao lá rộng lá kim, rừng tre nứa và khu vực tràng cỏ. Nhờ sự phong phú như vậy, nơi đây được đánh giá là một trong những khu rừng có sự đa dạng về nấm hàng đầu châu Á. Đó cũng là lý do Viện Công nghệ sinh học Ứng dụng (ABI) đã phối hợp với Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường của VQG tổ chức những khóa tập huấn nhận diện các loài nấm ăn và nấm độc, đồng thời triển khai tour du lịch tìm hiểu các loài nấm.
Vẻ đẹp mơ màng của những rừng thông. (Ảnh: VQG Bidoup Núi Bà))
TS. Phạm Nguyễn Đức Hoàng, Tổng thư ký Hội Nấm học Việt Nam từng có thời gian học tập và tham gia vào Hội Nấm học ở Nhật Bản. Anh cho biết: "Hàng năm, các câu lạc bộ nấm ở Nhật Bản thường tổ chức nhiều hoạt động thực tế đưa các gia đình, trẻ nhỏ, học sinh đi rừng để tìm hiểu về nấm. Tại Việt Nam, VQG Bidoup Núi Bà là một điểm nổi bật về sự đa dạng và dồi dào của nấm. Mình đang ở trên một nguồn tài nguyên như vậy thì nên tận dụng để mọi người được tiếp cận, gần gũi và hiểu hơn về nấm."
Sau gần 10 năm nghiên cứu nấm tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang, anh Hoàng và các cộng sự mong muốn mang những kiến thức đó gửi lại cho VQG Bidoup Núi Bà để bên Vườn ước tính được có bao nhiêu loài, nấm nào độc, nấm nào ăn được,…Những cán bộ kiểm lâm được nâng cao trình độ để quản lý, để làm du lịch và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Theo đó, có một số loài nấm ăn được như: nấm sữa, nấm dẻ, nấm thuẫn, nấm mào gà, nấm sò, nấm hương, nấm gan bò, nấm kaki,...Các loài nấm dược liệu: linh chi, hầu thủ, một số loại nấm kí sinh côn trùng. Nhóm nấm độc có các loài như: nấm vôi, nấm tán, nấm dẻ đen,...
Nhóm chuyên gia và cộng đồng bản địa ghi lại hình ảnh của các loài nấm.
Trao đổi kiến thức về nấm với lực lượng kiểm lâm.
Trong buổi trải nghiệm thực tế cùng các chuyên gia và kiểm lâm của Vườn, tôi bước vào một hành trình hòa mình với thiên nhiên để hiểu hơn về nấm. Chỉ ở một khu vực đồi thông trong khu hành chính, nhưng đã có hơn 20 loài nấm khác nhau trong 400 loài nấm sinh ra ở VQG Bidoup Núi Bà. Mỗi khi phát hiện một loài mới, chúng tôi dừng lại và nghe chuyên gia phân tích về loài, đặc tính của chúng…. Những thông tin rất mới lạ, thú vị và bổ ích mà nếu chỉ lướt qua như trước đây thì tôi sẽ không bao giờ biết được. Hành trình ấy có lẽ sẽ rất phù hợp với các gia đình để cả nhà cùng nhau trải nghiệm. Các em nhỏ sẽ được khám phá thiên nhiên và yêu hơn các sinh vật xung quanh mình.
Trong tự nhiên, nấm phát triển thành nhiều dạng hình thái khác nhau. Một số nhóm nấm lớn thường gặp: nấm phiến, nấm ống, nấm san hô, nấm lưới, nấm kèn,....
Nấm hương hay nấm Shiitake tự nhiên là loại ăn được. (Ảnh: Viện Công nghệ sinh học Ứng dụng)
Một loại nấm độc mà người dân Đà Lạt thường gọi là nấm vôi. (Ảnh: Viện Công nghệ sinh học Ứng dụng)
Ông Đinh Văn Tý, PGĐ Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (VQG Bidoup Núi Bà) bộc bạch: "Để khai thác các tài nguyên thiên nhiên của Vườn một cách bền vững cần tâm huyết của rất nhiều người từ Ban Giám đốc cho đến các tổ chức, cá nhân,…Dựa theo nhu cầu thực tế của những người yêu rừng, chúng tôi muốn tổ chức các hoạt động để du khách được trải nghiệm và học hỏi kiến thức chuyên sâu về nấm. Những tour như thế sẽ thu hút các đối tượng từ học sinh, sinh viên, đến những người lớn tuổi quan tâm đến chủ đề này."
Bên cạnh 3 tuyến du lịch hiện có của VQG (tuyến trekking đỉnh Bidoup Núi Bà, tuyến thăm thác Thiên Thai, tuyến tìm hiểu về sự đa dạng sinh học rừng) thì một tour riêng về nấm sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, giải tỏa căng thẳng.
Mỗi năm, tại Việt Nam có không ít ca ngộ độc, thậm chí tử vong vì ăn phải nấm dại. Những hoạt động nghiên cứu, tập huấn, tìm hiểu về nấm sẽ hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng và du khách nâng cao hiểu biết, đồng thời giúp cộng đồng bản địa tránh rủi ro mỗi khi vào mùa nấm.
Phân tích các mẫu nấm thu thập được.
VQG Bidoup Núi Bà có tới 400 loài nấm từng được phát hiện. Nhiều loài mới được ghi nhận lần đầu ở Việt Nam: Boletus violaceofuscus, Boletus tylopilopsis, Tylopilus balloui, Lactifluus koreanus, Cantharellus subvaginatus, Thelephora ganbajun, Ganoderma yunnanense, Hebeloma vinosophyllum, Russula subnigricans, Rugiboletus extremiorientalis, ... (Ảnh: Viện Công nghệ sinh học Ứng dụng)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!