Hội làng An Định mở vào ngày mùng 7 Tết, chính hội ngày mùng 8 Tết. Sau khi tất cả các lễ hội diễn ra, vào ngày 11 Tết, chức sắc trong làng sẽ tổ chức "giã hội".
Khoảng 8 giờ tối, các vị cao niên trong làng đánh chiêng, trống báo hiệu đến giờ tiến hành nghi lễ truyền thống từ xa xưa trong sự chờ đợi của hàng trăm người dân làng.
Chủ tế Nguyễn Bá Toàn đang làm lễ.
Các cụ cao niên trong làng đang mang vàng mã ra trước đình làng.
Theo phong tục, sau khi làm lễ xong, khoảng 21h các cụ trong làng sẽ mang tất cả đồ vàng mã được người dân và khách thập phương cúng tế ra giữa sân đình hóa, còn hương, nến được phát cho người làng làm vật xin lửa mang về bàn thờ gia đình. Sau khi cụ đám đốt hương, vàng mã bằng cây gậy dài, tất cả người tham dự cùng đổ xô vào châm lửa. Dù đông đúc nhưng chưa từng xảy ra chuyện tranh giành, chen lấn, xô đẩy.
Người làng cho hay, ai mang lửa về nhà mình nhanh nhất sẽ được may mắn nhiều, đỏ nhiều. Vì thế, mọi người đều cố gắng lấy bó hương to, giữ ngọn lửa lớn trên đường về, tránh để bị dập tắt.
Bà Đinh Thị Ánh (65 tuổi - An Định, Yên Nghĩa, Hà Đông), cho biết: "Tục "xin đỏ" ở làng đã có từ lâu và cứ ngày này, sau khi các cụ cao niên hóa vàng, người dân sẽ ra đình làng "xin đỏ" để xin cái đầu năm "đỏ" để ban cho con cháu cả năm gặp may gặp mắn". Bà Ánh và những người dân trong làng vô cùng tự hào với phong tục này, mong muốn nét văn hóa này sẽ được duy trì hàng năm.
Nét khác biệt của "xin đỏ" ở đây là ai cũng muốn xin lộc nhưng không hề có chuyện tranh giành như ở nhiều lễ hội khác. Mọi người thường vun lửa cho nhau, người ở trong sẽ đưa lửa cho người ở ngoài để thể hiện tình làng nghĩa xóm.
Có thể thấy, tục "xin đỏ" của người làng An Định là một tục lệ thể hiện rõ tính chất của một hội làng truyền thống, về tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm trong văn hóa người Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!