Không đi đâu cả" không phải là quay lưng lại với thế giới, mà là thỉnh thoảng bước ra để có thể nhìn thấy thế giới một cách rõ ràng hơn và yêu nó sâu đậm hơn, Pico Iyer - tác giả cuốn Nghệ thuật của sự tĩnh lặng nhận định.
Pico Iyer là nhà văn, nhà báo, từng xuất bản nhiều cuốn sách như Video night in Kathmandu (tạm dịch: Phim video ban đêm ở Kathmandu), The lady and the monk (tạm dịch: Cô gái và thầy tu), The global soul (tạm dịch: Linh hồn toàn cầu) và The open road (tạm dịch: Con đường mở). Ông còn viết tiểu thuyết về Cuba và Hồi giáo. Trong 20 năm, Iyer thường xuyên cộng tác với New York Times, New York Review of Books, Harper’s Time cùng nhiều tạp chí và tờ báo khác trên khắp thế giới. Hiện ông là Chủ tịch danh dự của Đại học Chapman.
Tác phẩm Nghệ thuật của sự tĩnh lặng của ông nằm trong loạt sách TED (TED Books) – những cuốn sách nhỏ về những ý tưởng lớn (đủ ngắn để đọc một lượt, nhưng đủ dài để đào sâu vào một chủ đề). Bộ sách với chủ đề phong phú này bao trùm mọi vấn đề, từ kiến trúc đến kinh doanh, từ du hành vũ trụ đến tình yêu… dành cho những người có óc tò mò và yêu thích học tập.
Mỗi cuốn sách trong TED Books được song hành cùng một bài thuyết trình TED (TED Talks) có liên quan. Cuốn sách tiếp tục tại phần mà bài thuyết trình dừng lại. Vì một bài thuyết trình dài 18 phút có thể gieo một hạt giống hoặc làm lóe lên trí tưởng tượng, nhưng nhiều bài trình bày đòi hỏi chúng ta cần đi sâu hơn nữa, tìm hiểu nhiều hơn nữa. Loạt sách TED đáp ứng nhu cầu này.
Tác giả Pico Iyer bộc bạch, Nghệ thuật của sự tĩnh lặng chỉ đơn thuần nói về một con người cố gắng chăm lo cho những người thân yêu của anh ấy, làm công việc của anh ấy, và cố gắng theo đuổi một vài đích trong một thế giới ngày càng điên đảo. "Nó rất ngắn, bạn có thể đọc nó chỉ bằng một lần ngồi xuống và nhanh chóng quay lại với cuộc sống vô cùng, vô cùng bận rộn của bạn", ông tự nhận xét.
Pico Iyer dẫn chứng, có một nghiên cứu về thời gian biểu hằng ngày được thực hiện trong hơn 30 năm đã phát hiện ra rằng, người Mỹ đang làm việc ít thời gian hơn so với thập niên 1960, nhưng họ cảm thấy như thể mình đang làm việc nhiều hơn, và "chúng ta thường xuyên có cảm giác rằng đang chạy hết tốc lực và chẳng bao giờ có khả năng bắt kịp".
Trên thực tế, dù máy móc có vẻ như đang dần trở thành một phần trong hệ thống thần kinh của chúng ta và qua mỗi mùa thì máy móc lại được hiện đại hóa, nhưng chúng ta vẫn đánh mất "những khoảng thời gian thiêng liêng" là những ngày Chủ nhật, những kỳ nghỉ cuối tuần, những buổi tối. Trước thực trạng đó, yên lặng trở thành một nhu cầu thiết yếu cho những ai mong muốn giảm bớt những nguồn lực vô hình.
Trong hơn 40 năm, dù đã chu du khắp nơi trên thế giới, từ Đảo Phục Sinh tới Bhutan và Ethiopia đến Los Angeles, nhưng điều ông cảm nhận sâu sắc được là: "Mỗi lần tôi lên đường, cái kinh nghiệm đó chỉ thu đạt ý nghĩa và trở nên thâm sâu hơn khi tôi trở về nhà, ngồi yên lặng, bắt đầu chuyển hóa những cảnh vật đã thấy thành những tri kiến dài lâu".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!