Đọc sách cùng thanh niên: Tìm hiểu về nhật ký "Đường về" của liệt sĩ Phạm Thiết Kế

Ngọc Hà - Phi Long-Thứ tư, ngày 31/07/2024 06:10 GMT+7

VTV.vn - Không giống như "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", cuốn nhật ký "Đường về" được viết bởi một người lính đặc công với những "trần trụi" nơi chiến trường.

Theo suốt chiều dài lịch sử, tháng 7 đã trở thành tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của "uống nước nhớ nguồn" và đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ để tôn vinh những hy sinh, mất mát của những người đã không tiếc máu xương cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chính vì vậy, hoạt động "Đọc sách cùng thanh niên" tháng 7/2024 lựa chọn giới thiệu cuốn sách của một người con yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên trung đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc, dân tộc, đó chính là cuốn nhật ký "Đường về" của liệt sĩ Phạm Thiết Kế.

Đọc sách cùng thanh niên: Tìm hiểu về nhật ký Đường về của liệt sĩ Phạm Thiết Kế - Ảnh 1.

Cuốn nhật ký "Đường về" của liệt sĩ Phạm Thiết Kế được nhà báo Trần Bình Tám biên tập và xuất bản bởi Nhà xuất bản Thanh niên

Hiện tại, cuốn nhật ký đang được Bảo tàng Đặc công trưng bày tại chuyên đề Đặc công bộ là một điển hình.

Mối duyên tình cờ với cuốn nhật ký

Liệt sĩ Đặc công Phạm Thiết Kế sinh ngày 2/10/1937 tại xã Quý Hòa, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Anh vào bộ đội năm 1953, đến năm 1954 tập kết ra Bắc. Anh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 và được phong quân hàm Thiếu úy ngày 18/3/1963. Anh xây dựng gia đình tại Hà Nội và đến ngày 29/8/1967, anh tạm biệt người vợ yêu quý và hai con, một còn đang trong bụng mẹ mà suốt đời anh không bao giờ biết mặt, để hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu trong đội hình của Đoàn Đặc công 429. Anh hy sinh năm 1970 tại mặt trận Tây Nguyên.

Đọc sách cùng thanh niên: Tìm hiểu về nhật ký Đường về của liệt sĩ Phạm Thiết Kế - Ảnh 2.

Liệt sĩ Phạm Thiết Kế được trao tặng bằng Tổ quốc ghi công

Nếu như "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" được viết bởi một nữ bác sĩ chưa tròn 28 tuổi với nét thùy mị, điềm tĩnh và có phần mơ mộng thì nhật ký "Đường về" lại được viết bởi một người chính trị viên tiểu đoàn trong đơn vị đặc công với những "trần trụi" nơi chiến trường, với lý tưởng cao cả và luôn coi vợ con là hậu phương, là điểm tựa để vững bước trên con đường cách mạng.

Nếu như sau khi hy sinh, hài cốt liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã được về với quê hương nhưng hành trình mà cuốn Nhật ký của chị trở về bên gia đình lại kéo dài 35 năm thì nhật ký "Đường về" lại là câu chuyện ngược lại. Nhờ có cuốn Nhât ký "Đường về" - kỷ vật duy nhất mà gia đình liệt sĩ Phạm Thiết Kế lưu giữ được sau khi anh hy sinh - mà hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Kế mới được hoàn thành.

Theo chia sẻ của nhà báo Trần Bình Tám - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông, cuốn nhật ký tình cờ đến với ông trong một dịp tình cờ. Sau khi đọc cuốn nhật ký, nhà báo Trần Bình Tám cảm thấy vô cùng xúc động, sau đó biên tập lại cuốn nhật ký và gửi Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2007 - đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Đọc sách cùng thanh niên: Tìm hiểu về nhật ký Đường về của liệt sĩ Phạm Thiết Kế - Ảnh 3.

Nhà báo Trần Bình Tám - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông

Không chỉ vậy, nhà báo Trần Bình Tám còn nỗ lực tìm kiếm các thông tin, để rồi từ đó tìm ra hài cốt của liệt sĩ Phạm Thiết Kế. Năm 2013, sau 43 năm kể từ khi anh hy sinh, hài cốt của anh đã được trở về với bến quê, với vợ con, đồng chí, đồng đội cùng bao người thân thiết.

Khắc họa chân thực hình ảnh người lính đặc công

Với gần 200 trang, nhật ký Đường về của liệt sĩ Phạm Thiết Kế là sự tái hiện sinh động 843 ngày đêm hành quân chiến đấu của anh và đơn vị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (từ ngày 29/8/1967 đến 22/12/1969), với những hành động anh hùng của một đơn vị Đặc công trên suốt chặng đường chiến đầu từ miền Bắc, vượt dải Trường Sơn đến chiến trường Tây Nguyên.

Đọc sách cùng thanh niên: Tìm hiểu về nhật ký Đường về của liệt sĩ Phạm Thiết Kế - Ảnh 4.

Cuốn nhật ký hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Đặc công

Có những đoạn viết khiến người đọc lặng đi vì sự chia cắt đôi miền. Trong dòng nhật ký ngày 21/01/1968 anh viết: "Năm nay Tổ quốc ta ăn tết 2 ngày, Miền Bắc ăn tết ngày 29, còn Miền Nam ăn tết ngày 30. Một nước ăn tết 2 ngày khác nhau, nghĩ càng đau lòng".

Theo Đại úy Phạm Tố Loan tại Bảo tàng Đặc công, cuốn nhật ký đã thể hiện rõ hình ảnh của một lớp cán bộ sĩ quan quân đội, mang trái tim nóng bỏng với tình yêu mãnh liệt dành cho Tổ quốc, quê hương và gia đình. Đó là những ngày tháng hành quân gian khổ, những cuộc xuất kích khốc liệt, cả những niềm vui, nỗi buồn, sự mất mát trong chiến tranh... đều được ghi lại một cách chân thực, sống động.

Chiến tranh là bi kịch, nhưng cái cách cảm nhận, ứng xử với điều bi kịch ấy qua tâm hồn người lính Phạm Thiết Kế mới trầm tĩnh làm sao.

Trên chiến trường khốc liệt, ngày nào anh cũng chứng kiến sự ra đi của đồng chí, đồng đội, rồi tự nghĩ đến sự hy sinh của bản thân mình. Nhưng điều ấy không làm người lính gục ngã trong ủy mị mà càng khiến họ nắm chắc tay súng hơn, ngẩng cao đầu hơn trước mọi thử thách tưởng chừng như không vượt qua được: "Tự nhiên trong lúc này, trong lúc con bệnh đang hoành hành cơ thể một cách quyết liệt thì mình nghĩ đến anh Trỗi. Ừ, anh Trỗi chân đau vẫn bước hiên ngang trước mũi súng thù, lẽ nào ta lại không bước hiên ngang trước con bệnh và gian khổ này ư! Miền Nam đang chờ ta! Bất kỳ như thế nào ngày mai cũng phải đi".

Cuốn nhật ký được đặt tên là "Đường về" với một lòng tin quyết thắng, rằng con đường ra mặt trận chiến đấu cũng chính là con đường đi đến hòa bình, rằng tất cả những người chiến sĩ sẽ được trở về với quê hương, trở về với gia đình, người thân dù với hình hài nào:

"Em và hai con thương yêu! Ngày mai đây, Tổ quốc ta sẽ hoàn toàn độc lập. Trong ngày vui mừng của cả dân tộc, non sông ta nở rộ hoa tự do, ngày đó nếu có vắng anh thì em và hai con hãy vui trong niềm vui chung của dân tộc em nhé. Hãy chọn những bông hoa hồng, hoa sen đẹp nhất đặt bên hình anh. Anh mong rằng em và hai con hãy chiến đấu suốt đời cho lý tưởng thiêng liêng của Đảng".

Đây là những lời cuối cùng trong bức thư cuối cùng gửi vợ và hai con của liệt sĩ Phạm Thiết Kế tại cuốn nhật ký. Chỉ một đoạn nhắn nhủ ngắn gọn ấy thôi nhưng bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, lớn lao của một người chiến sĩ cộng sản.

Sách hay mỗi tháng thúc đẩy thói quen đọc sách trong thanh niên Sách hay mỗi tháng thúc đẩy thói quen đọc sách trong thanh niên

VTV.vn - Việc tiếp cận những thông tin hữu ích từ sách giúp các bạn trẻ hướng bản thân đến nhận thức đúng đắn, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn trong bối cảnh hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước