Sóc Trăng là địa phương có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó, bà con địa phương luôn trăn trở làm sao để giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Như ở Chùa Bâng Cro Chắp Thmây, huyện Long Phú, các vị sư và người dân ở đây đã thành lập một câu lạc bộ múa với rất nhiều hoạt động ý nghĩa.
Tại một buổi tập luyện nhạc ngũ âm tại chùa, các bạn trẻ sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ với nhiều chất liệu khác nhau. Từ bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.... Thời gian đầu bén duyên, các bạn trẻ này cũng gặp không ít khó khăn.
Không chỉ sử dụng nhạc cụ mà các bạn trẻ còn được dạy những điệu múa truyền thống. Với tình yêu dành cho văn hóa dân tộc, hầu hết mọi người đều thích thú. Đến nay, câu lạc bộ có gần 30 thành viên. Trong đó bạn trẻ nhất chỉ mới 10 tuổi.
Những ngày đón mừng Sene Dolta - một trong ba lễ hội lớn trong năm của đồng bào dân tộc, đi đến bất kỳ ngôi chùa nào, cũng dễ dàng cảm nhận được không khí nô nức, phấn khởi. Và chắc chắn, không thể thiếu những thanh âm và điệu múa truyền thống của đồng bào.
Huyện Long Phú là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Thời gian qua, đời sống của bà con ngày càng chuyển mình. Càng vui hơn, phấn khởi hơn khi những nét văn hóa truyền thống vẫn được giữ gìn. Đóng góp vào niềm vui đó có vai trò của nhà chùa và các bậc tăng ni.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển đất nước. Việc giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer sẽ góp phần quan trọng để tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa của 54 dân tộc anh em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!