Du lịch thể thao chiếm phần lớn trong những con số thống kê này. Được định giá 564,7 tỷ USD vào năm 2023, dự báo sẽ tăng vọt lên 1,33 nghìn tỷ USD trong tám năm tới. Trong khi đó, du lịch âm nhạc dự kiến sẽ đóng góp thêm 13,8 tỷ USD, gấp hơn hai lần giá trị hiện tại là 6,6 tỷ USD.
Khoảng 83% người đi du lịch nhằm tham gia các sự kiện đang hướng tới các trận đấu bóng đá, các trận bóng rổ, Thế vận hội, các cuộc đua F1 hoặc các giải đấu quần vợt. Trong đó, bóng đá chiếm 69% số người tham gia khảo sát về thể thao. Những người này cho biết, gần đây họ đã đi du lịch để xem một trận đấu trực tiếp hoặc có kế hoạch làm như vậy trong năm tới.
Trong khi đó, giải đua F1 đã gia tăng sự phổ biến với các thế hệ trẻ kể từ khi Netflix công chiếu loạt phim tài liệu Drive to Survive vào năm 2019. Hơn 30% người hâm mộ F1 cho biết họ có sự quan tâm đến môn thể thao này là nhờ xem chương trình. Vào năm 2023, số lượng khán giả trực tiếp xem cuộc đua trung bình trong mỗi cuối tuần đã vượt qua 270.000 người, so với 195.000 người vào năm 2019.
Du khách quốc tế tại Olympic Paris 2024 (Ảnh: Sortia Paris)
Không chỉ số người quan tâm đến môn thể thao này đang gia tăng, giá vé cũng đang tăng lên. Vé cho các cuộc đua ở Vương quốc Anh vào mùa hè năm nay đã đạt mức 600 bảng cho những chỗ ngồi "vị trí tốt" ở khán đài chính, trong khi vé vào cửa thường có giá hơn 400 bảng, tăng từ khoảng 300 bảng chỉ hai năm trước.
Theo quan điểm của các nhà phân tích, giá vé này chỉ là một phần trong nền kinh tế du lịch thể thao, vốn còn bao gồm các khoản chi cho khách sạn, bữa ăn tại nhà hàng, taxi, hàng hóa và các khoản chi khác. Dữ liệu tổng hợp cho thấy 77% du khách đến một hoặc hai ngày trước buổi hòa nhạc hoặc giải đấu và 80% sẽ ở lại từ một đến ba ngày sau đó.
Thế vận hội mùa hè Paris, dù không đạt được mức độ du lịch quốc tế như mong đợi, vẫn thu hút đủ lượng khách du lịch để làm tăng số lượng đặt phòng. Các du khách quốc tế dự kiến sẽ chi khoảng 5.000 USD cho chi phí khách sạn, vé máy bay và vé sự kiện. Hơn một nửa số người hâm mộ thể thao, theo nghiên cứu của họ, chi tiêu 500 USD trở lên chỉ ở sân bay. Những người từ 25-34 tuổi là nhóm chi tiêu nhiều nhất, với 1/3 trong số họ chi tiêu vượt quá 1.000 USD trong khi chờ lên máy bay.
The Eras Tour của Taylor Swift mang lại lợi nhuận khổng lồ (Ảnh: Bangkok post)
Về mảng âm nhạc, nhóm nghiên cứu chỉ ra các sự kiện lớn như Rock in Rio, Coachella và tour diễn Eras Tour của Taylor Swift như là những động lực thúc đẩy du lịch. Tour diễn của Taylor Swift là một trường hợp chưa từng có. Theo United Airlines, người hâm mộ Taylor Swift đã thúc đẩy sự gia tăng 45% doanh số bán vé máy bay đến các điểm đến như Milan và Munich trong các ngày diễn, và tour diễn đã dẫn đến sự gia tăng đặt phòng lớn hơn cho các khách sạn hàng đầu ở Paris nhiểu hơn cả Thế vận hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!