Ghé bờ Bạch Yến nghe tiếng lách tách của bánh tráng Lựu Bảo

Trang Anh, Ngọc Hoàng, Phương Anh-Thứ tư, ngày 19/06/2024 16:06 GMT+7

VTV.vn - Cách TP. Huế khoảng 8km, hàng trăm năm làng Lựu Bảo nằm nép mình cạnh dòng sông Bạch Yến cũng là từng ấy thời gian ngôi làng này gây tiếng vang với nghề làm bánh tráng.

Độc đáo làng nghề bánh tráng hơn 300 năm tuổi

“Ai về Lựu Bảo làm chi

Bánh tráng, bánh ướt gánh đi, gánh về”

Lựu Bảo chào đón khách tới ghé chơi bằng những tiếng lách tách vang vọng khắp không gian. Nghe bằng tai rồi tìm bằng mắt mới biết, đó là âm thanh đặc trưng của vùng đất đã hàng trăm năm làm bánh tráng này. Không chỉ là tiếng lách tách của lò bếp được nhóm bằng củi lửa để tráng bánh, sau khi ra khỏi lò, âm thanh đó lại được phát ra từ những chiếc bánh đang được hong khô dưới cái nắng cái gió của đất trời miền Trung. Đó cũng chính là nét độc đáo của bánh tráng mang thương hiệu Lựu Bảo.

Ghé bờ Bạch Yến nghe tiếng lách tách của bánh tráng Lựu Bảo - Ảnh 1.

Những chiếc bánh được tráng trên chiếc bếp củi đặc trưng.

Trong khi công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã mở rộng đường cho những làng nghề khác ứng dụng máy móc vào sản xuất, Lựu Bảo vẫn kiên trì giữ cho mình nét truyền thống riêng. Những chiếc bánh hoàn toàn được tạo nên từ bàn tay của những người con lớn lên ở làng.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng, ngày nào cũng vậy, nhà bà Tôn Nữ Thị Lành tất bật từ sáng sớm tinh mơ. Bà chia sẻ: “Buổi sáng mình phải dậy từ 5 rưỡi để chuẩn bị, làm cho tới 7-8 giờ tối mới xong việc, rất là cực. Vệ sinh lò bếp xong thì xay gạo đã được ngâm vào buổi chiều hôm trước, rồi trộn thêm một chút muối và mè vào bột gạo. Sau đó, mình mang đi khuấy đều rồi bắt đầu tráng bánh”. Những vật dụng được dùng để làm bánh gồm có lò đất, nồi lớn có 2 mặt căng vải dùng để tráng bánh, một cái gáo dùng để múc bột, một ống lăng lấy bánh và những chiếc vỉ phơi.

Ghé bờ Bạch Yến nghe tiếng lách tách của bánh tráng Lựu Bảo - Ảnh 2.

Những công cụ đơn giản cho ra hàng trăm chiếc bánh mỗi ngày của bà Lành.

Nhìn thì đơn giản nhưng để cho ra được chiếc bánh đúng chất Lựu Bảo thì phải trải qua tuần tự các công đoạn như: chọn gạo, xay bột, nêm gia vị, tráng bánh, đem phơi (hay sậy)... Phần bột cho mỗi chiếc bánh phải vừa vặn, tán bột phải đều tay sao cho chiếc bánh tròn, kích thước vừa đủ. Công đoạn lấy bánh từ lò ra vỉ cũng rất khó, bởi lúc này bánh vẫn còn ướt và dễ bị rách, người lấy bánh phải thật nhẹ nhàng, nâng niu đặt bánh lên mặt vỉ.

Ghé bờ Bạch Yến nghe tiếng lách tách của bánh tráng Lựu Bảo - Ảnh 3.

Người lấy bánh cũng phải thật tỉ mỉ và đòi hỏi phối hợp nhịp nhàng với người tráng.

Bánh ra khỏi lò được phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc mang sậy than vào những ngày mưa, đến khi bánh dịu lại thì mang vào để trong mát vì nếu để ngoài nắng hay sậy than quá lâu bánh sẽ bị teo lại, mất đi hình dáng ban đầu và dễ bị vỡ.

Ghé bờ Bạch Yến nghe tiếng lách tách của bánh tráng Lựu Bảo - Ảnh 4.

Sau khi tráng xong thì bánh được mang ra phơi khô tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời.

“Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, chúng tôi còn trộn thêm vào bánh một số thành phần khác như bột nghệ, hoặc cán bánh mỏng, dày tùy vào mục đích sử dụng.” - Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, chủ một hộ sản xuất khác đã có 3 thế hệ theo nghề cho biết. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, người làng Lựu Bảo sản xuất nhiều loại bánh tráng khác nhau như bánh mè đen, bánh mè trắng, bánh nghệ, bánh dùng cuốn tôm thịt để chiên (làm ram cuốn); ngoài ra, bánh làm vỏ áo cho một số loại kẹo, bánh tráng không mè loại mỏng cung ứng cho các lò mè xửng. Tùy theo tỷ lệ pha trộn và cách làm, có nhiều loại bánh như bánh tráng mì, bánh tráng gạo, bánh nhúng, bánh nướng hay bánh tráng nước dừa… Có loại có thể nhúng nước ăn ngay, có loại phải nướng chín.

Ghé bờ Bạch Yến nghe tiếng lách tách của bánh tráng Lựu Bảo - Ảnh 5.

Đôi tay thoăn thoắt tráng bánh của bà Dung tại “góc làm việc” quen thuộc

 Bài toán chưa có lời giải

Nhiều năm nay, mặc kệ sự leo thang của vật giá thị trường, bánh tráng Lựu Bảo vẫn giữ nguyên mức giá chỉ rơi vào khoảng 1.000 đồng/cái. Giá thành rẻ nhưng chất lượng vẫn luôn được bảo đảm. “Tôi nghĩ ai ăn quen là họ sẽ nhận ra đâu mới là bánh của làng tôi. Chúng tôi đảm bảo không có pha chất bảo quản phụ phẩm, không chất phụ gia. Giữ lại cái nghề truyền thống bằng tâm của mình thôi.” - Ông Ngô Văn Dũng, chồng bà Dung góp lời về nét đặc trưng của bánh tráng Lựu Bảo.

Ghé bờ Bạch Yến nghe tiếng lách tách của bánh tráng Lựu Bảo - Ảnh 6.

Ông Dũng phụ vợ chuyển bánh vừa mới được tráng xong ra ngoài sân phơi

Ghé bờ Bạch Yến nghe tiếng lách tách của bánh tráng Lựu Bảo - Ảnh 7.

Việc không tăng giá trong khoảng thời gian dài đặt ra một bài toán kinh tế nan giải đối với những hộ làm bánh tráng Lựu Bảo. Với thời gian và khối lượng làm việc nặng, thành quả nhận lại của người dân có phần chưa xứng đáng với công sức họ bỏ ra. “Chủ yếu chúng tôi lấy công làm lãi, làm lụng suốt chỉ vừa đủ ăn đủ mặc thôi. Lứa trẻ chúng không chịu làm do nghề thì vất vả mà thu nhập thì lại thấp quá. Vì vậy nên khắp cái làng này chỉ có những người trạc tuổi tôi mới còn giữ nghề. Thi thoảng, con cháu tôi cũng có giúp đỡ vào những lúc chúng rảnh. Nhưng mà để nói về truyền nghề thì khó lắm.” - Ông Dũng cho biết thêm.

“Nếu mà chúng tôi tăng giá, thương lái sẽ bỏ mối mà tìm nhà khác giá rẻ hơn. Vì vậy nên tăng giá có lẽ là điều bất khả thi. Thực tế, đã có một số nhà bắt đầu sử dụng máy rồi. Nếu cho máy làm, năng suất sẽ tăng lên gấp 10 so với làm thủ công. Tuy nhiên thì thành phẩm sẽ không được ngon giống như làm bằng tay hoàn toàn. Vậy nên gia đình tôi vẫn nhất quyết giữ cách làm bánh truyền thống.” - Bà Dung tiếp lời.

Ngày 09/9/2014, Lựu Bảo được công nhận là làng nghề truyền thống. 10 năm sau, các hộ gia đình trong làng vẫn luôn nỗ lực gắn bó, quyết giữ công việc cho họ cái ăn cái mặc từ bấy lâu nay. Nhưng đó cũng là 10 năm Lựu Bảo giữ mô hình hoạt động nhỏ lẻ dưới tên từng cá nhân, hợp tác xã chính thức mang tên làng chưa được thành lập, chưa nói tới việc triển khai mở rộng mô hình sản xuất của địa phương trong tương lai. Đó sẽ là bài toán rất cần lời giải của các cấp quản lý và những người có thẩm quyền.

Mặc cho tình trạng bị thương lái ép giá, sản phẩm chưa mang lại lợi ích kinh tế cao, Lựu Bảo vẫn còn đó những người con giữ nghề không mai một, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại. Tuy vậy, sẽ tốt hơn nếu họ có sự quan tâm và đồng hành của chính quyền địa phương, để sản phẩm bánh tráng Lựu Bảo ngày càng được lan rộng và có mặt ở khắp thị trường trong nước và quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước