Bá Thước - miền đất ẩn mình, nơi đại ngàn bao la của xứ Thanh - không chỉ chứa đựng trầm tích lịch sử, văn hóa dày sâu mà còn mang vẻ đẹp hoang sơ, đầy bí ẩn. Nếu như kiến tạo địa chất qua hàng ngàn năm ban tặng cho Bá Thước nhiều thắng cảnh đẹp, tự nhiên thì con người nơi đây bằng trí tưởng tượng phong phú đã dệt nên nhiều câu chuyện thần thoại tô điểm thêm vẻ đẹp của thiên nhiên. Trong đó, hang cá thần Chiềng Ban ở xã Văn Nho là một trong những bí ẩn như thế.
Cách trung tâm xã Văn Nho, huyện Bá Thước chưa đầy 10km, hàng cá thần Văn Nho là một trong ba hang cá thần nổi tiếng xứ Thanh, được xem là một trong những thắng cảnh nổi bật nhất của huyện Bá Thước hiện nay. Mỗi khi có người thả thức ăn xuống, hàng trăm con cá túa ra tranh nhau đớp mồi, tạo nên một khung cảnh đặc biệt kì thú.
Những con cá tại đây khá to, trọng lượng khoảng 5-6kg mỗi con và cũng rất rạn người. Chúng có màu sắc khá kì lạ như vây đỏ, mồm đỏ, đặc biệt là hai bên mang phủ một lớp ánh kim lóng lánh rất đẹp.
Theo những người cao niên và người dân vùng đất Văn Nho, mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu nhưng đến nay, vẫn chưa tìm thấy tài liệu ghi lại chính xác sự ra đời của hang cá thần. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều huyền tích mang tích dã sử kể về sự ra đời của suối cá thần. Những truyền thuyết này không chỉ làm tăng vẻ đẹp huyền bí mà còn giúp bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ cho hang cá thần trong hàng trăm năm qua.
Một huyền tích được nhiều người kể lại nhất có liên quan đến người con gái bản Chiềng Ban tên là Sương Tuyết. Nàng đã bị thuồng luồng bắt làm vợ, trở thành Chúa cá có đeo đôi khuyên tai vàng do Công tử Long Vương tặng. Câu chuyện tuy có nhiều dị bản, song, đều đi đến kết luận rằng bà Chúa cá trong hang cá thần Văn Nho là do người con gái Chiềng Ban hóa thành. Cũng bởi câu chuyện linh thiêng truyền đời ấy mà người dân địa phương tôn thờ loài cá sống trong hang. Người ta tin rằng nếu ai làm hại cá thì đều không tránh khỏi họa lên trong đời. Có lẽ cũng vì thế mà suốt 100 năm qua, không một ai dám bắt cá về ăn.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nam Ninh, sự tích về đàn cá thần Văn Nho đã có từ cách đây trên dưới 400 năm, gắn với việc Quận công Hà Công Bộ gây dựng nên đất Mường Ký. Tuy nhiên, theo những tài liệu còn lưu lại, hang cá thần Văn Nho còn gắn với các vị anh hùng dân tộc được lịch sử ghi danh như Tống Duy Tân, Hà Công Bộ, Hà Văn Nho. Những vị chí sĩ này đã được quanh năm hương khói và phụng thờ. Có thể thấy hang cá thần Văn Nho không chỉ linh thiêng bởi những huyền tích mà còn gắn với những vị anh hùng dân tộc được nhân dân thờ phụng như những vị nhân thần của vùng đất này.
Theo lời kể của người dân nơi đây, điều kì lạ nhất ở đàn cá thần Văn Nho là chúng có thể thay đổi màu sắc theo sự biến đổi của thời tiết, báo hiệu trời nắng, mưa hay giông bão. Thông qua quan sát và đúc rút kinh nghiệm, từ sự biến đổi màu sắc của những con cá này, người dân trên bản, dưới làng có thể đưa ra phán đoán thời tiết nông vụ để chọn ngày xuống đồng, làm ruộng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao những con cá này lại có khả năng nhận biết sự thay đổi thời tiết? Thực tế, những con cá ở hang cá thần gần giống với cá trôi nhưng thân tròn hơn, vây và mây phớt đỏ khá kì lạ. Theo các nhà sinh học, đây chính là loài cá dốc quý hiếm nằm trong Sách đỏ cần được bảo vệ.
Có một điều thú vị và khá kì lạ về đàn cá ở hang cá thần là mặc dù sống đông đúc trong hang đá chập hẹp nhưng chúng không bao giờ xuôi theo dòng suối hay vào mương, ra ruộng mà chỉ quanh quẩn ở hang đá và hồ nước trước cửa hang. Nhiều năm mưa to, lũ lớn, cửa hang trở thành vòi rồng phun nước xa hàng chục mét, dù vậy không thấy con cá nào đi lạc. Hết mưa lũ, chúng lại túa ra từ nơi trú ẩn.
Với những huyền tích xung quanh đàn cá thần kì lạ đã được gìn giữ, lưu truyền qua bao thăng trầm của xứ Mường giúp cho hang cá thần Văn Nho ngày càng trở nên huyền bí và ấn tượng. Hang cá thần Văn Nho đã được huyện Bá Thước xây dựng, quy hoạch để trở thành điểm nhấn du lịch hấp dẫn du khách gần xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!