"Giải mã cuộc sống": Lai Xá và làng nghề có "một không hai"

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo)-Thứ bảy, ngày 24/12/2022 06:45 GMT+7

VTV.vn - Người làng Lai Xá thường tự hào nói Lai Xá là làng nghề có một không hai, là làng nghề duy nhất ở Việt Nam làm nghề nhiếp ảnh.

Làng Lai Xá thuộc xã Kim Trung, huyện Hoài Đức, Hà Nội được coi là nơi khởi nguồn của nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Theo thống kê, nhiều năm qua, tổng số lao động trong làng làm nghề chụp ảnh chiếm tới hơn 40%. Người làng Lai Xá thường tự hào nói Lai Xá là làng nghề có một không hai, là làng nghề duy nhất ở Việt Nam làm nghề nhiếp ảnh.

Theo ghi chép trong cuốn sách Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, ông Đặng Huy Trứ là người đầu tiên đưa nhiếp ảnh vào nước ta. Năm 1869, ông Đăng Huy Trứ khai trương tiệm ảnh đầu tiên ở phố Thanh Hà, Hà Nội. Ông mở tiệm ảnh không phải để kinh doanh mà chủ yếu là để giới thiệu phát minh mới. Năm 1890, dưới sự giúp đỡ của chú ruột, cụ Nguyễn Đình Khánh là người làng Lai Xá đã ra học nghề tại cửa hiệu trên phố Hàng Bồ. Sau những tháng ngày vất vả học nghề, do nắm bắt được những bí quyết trong ngành nhiếp ảnh, cụ đã tự mở một cửa hiệu riêng lấy tên là Kháng Ký vào năm 1892.

Giải mã cuộc sống: Lai Xá và làng nghề có một không hai - Ảnh 1.

Nếu như cụ Đăng Huy Trứ là người đầu tiên mở ra nền nhiếp ảnh ở Việt Nam thì cụ Nguyễn Đình Khánh - ông tổ nghề nhiếp ảnh làng Lai Xá - là người có công đầu tiên cho việc đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất thân từ làng.

Nét riêng trong những bức ảnh chụp chân dung mang thương hiệu Khánh Ký thời ấy là chụp toàn thân, mặt hướng thẳng, ngồi ghế, hai tay đặt lên đầu gối xòe đủ 10 đầu ngón tay, ngón chân. Việc sở hữu những bức ảnh chân dung kiểu Khánh Ký khi ấy đã trở thành một trào lưu. Tính từ thời cụ Nguyễn Đình Khánh đến nay, làng Lai Xá đã có đến thế hệ thứ 4 cầm máy. 

Giải mã cuộc sống: Lai Xá và làng nghề có một không hai - Ảnh 2.

Tiệm ảnh Khánh Ký của ông tổ nghề nhiếp ảnh làng Lai Xá.

Ở thời của thế hệ thứ 2, phương tiện máy móc còn thô sơ, cồng kềnh và nặng nề, di chuyển rất khó khăn. Muốn làm nghề ảnh trước tiên phải làm phó nhỏ, chuyên ngâm vỗ ảnh, cắt ảnh và kiêm luôn việc quét nhà, dọn dẹp cửa tiệm. Muốn trở thành thợ cả, thợ chính nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào trí thông minh, sự tinh ý và con mắt tinh thông nghề nghiệp.

Những người học trò của cụ Khánh sau này đã phát triển và hình thành hơn 150 hiệu ảnh khắp đất nước, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Một trong những dấu hiệu để nhận biết hiệu ảnh của người làng Lai Xá là ở tên cửa hiệu. Cụ thể, tên thường gắn với chữ "Ký" hoặc "Lai" như An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký, Phúc Lai, Kim Lai...

Không chỉ mở hiệu ảnh trong nước, người làng Lai Xá còn hoạt động nghề nhiếp ảnh ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Trung Quốc, Campuchia, Lào...

Giải mã cuộc sống: Lai Xá và làng nghề có một không hai - Ảnh 3.

Những năm 1911-1912, do hoạt động phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bại lộ, cụ Khánh phải tạm lánh sang Pháp và mở hiệu ảnh tại đây. Cụ sau đó cũng mở thêm một hiệu ảnh nữa trên Đại lộ ở Paris.

Năm 1916-1917, Nguyễn Ái Quốc đến Pháp hoạt động và thời gian đầu được các cụ Khánh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường trợ giúp và truyền nghề ảnh. Ngày 25/6/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp tham dự hội nghị đấu tranh giành quyền độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Người sau đó vẫn dành thời gian đến viếng mộ cụ Khánh Ký, thắp hương cho người bạn từng một thời đồng cam cộng khổ hoạt động tại Pháp.

Giải mã cuộc sống: Lai Xá và làng nghề có một không hai - Ảnh 4.

Các thế hệ tiếp theo của Lai Xá từng bước đem nghề ảnh đến gần hơn với đời sống, là công cụ hữu hiệu cho báo chí tuyên truyền đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc.

Cho tới nay, bảo tàng làng nghề Lai Xá vẫn lưu giữ một bảo vật rất đặc biệt, đó chính là một chiếc máy ảnh chụp phim kính. Chiếc máy ảnh này đã gắn bó với cụ Phạm Nên trong suốt một thời gian trai trẻ theo học nghề và làm nghề nhiếp ảnh. Với cụ Nên, mỗi khi chạm vào chiếc máy, kí ức về những ngày tháng đẹp làm nghề ảnh lại ùa về. Thời kỳ đầu chụp ảnh, máy ảnh dùng kính hay còn gọi là phim kính. Máy chụp bằng thùng gỗ to, cồng kềnh, khi chụp phải trùm miếng vải đen để ngắm chỉnh được chính xác.

Nghề ảnh đã biến Lai Xá từ một làng quê thuần nông trở thành một làng nghề mang hơi thở hiện đại, lưu giữ những kỉ niệm và những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước