Đài tưởng niệm hòa bình Hiroshima (Genbaku Dome) là công trình kiến trúc duy nhất còn sót lại gần tâm chấn của quả bom nguyên tử năm 1945. (Ảnh: Wikipedia)
Giải Nobel Hòa bình năm 2024 ghi nhận quan trọng cho cuộc đấu tranh không mệt mỏi từ chính những nạn nhân của thảm họa chiến tranh cách đây gần 80 năm. Tổ chức này được vinh danh "vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh thông qua lời khai của nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ được sử dụng nữa".
Những con số ám ảnh
Tổ chức Nihon Hidankyo được thành lập bởi những hibakusha (nghĩa là những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ). Cụm từ này được người Nhật dùng khi nói đến những nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Dù đã 79 năm trôi qua nhưng di chứng để lại cho những nạn nhân trực tiếp hứng chịu hậu quả từ khoảnh khắc khủng khiếp ấy kéo dài qua nhiều thế hệ. Người ta ước tính có khoảng 120.000 người chết và bị thương trong năm 1945 vì ảnh hưởng của vụ ném bom này. Đến năm 2005, vẫn còn 266.000 hibakusha ở Nhật.
Bức ảnh chụp tại Nagasaki 15 phút sau cuộc tấn công với khoảng cách 6 dặm vào năm 1945. (Ảnh: Universal History Archive/Getty Images)
Do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người Nhật thời kỳ trước đây, tưởng rằng các bệnh liên quan đến phóng xạ có thể lây nhiễm nên có sự phân biệt, xa lánh nạn nhân của thảm họa hạt nhân khốc liệt này. Điều đó khiến nhiều người mặc cảm, giấu đi thân phận. Ngoài những tác động về thể chất và tâm lý mà họ phải trải qua, việc chậm trễ hỗ trợ hay bồi thường cũng khiến nhiều người chật vật trong cuộc sống.
Được thành lập vào năm 1956, mục đích của Nihon Hidankyo trước tiên là "thúc đẩy các quyền xã hội và kinh tế của tất cả những người hibakusha". Nhưng có một mục tiêu thứ hai: "Đảm bảo rằng không ai phải chịu thảm họa đã xảy ra với những người hibakusha nữa" và đây là nỗ lực của họ trong hơn 7 thập kỷ qua.
Hai mẹ con là những người hibakusha sống sót sau vụ nổ bom ở Hiroshima năm 1945. (Ảnh: Shutterstock)
Tổ chức này vận động cả Chính phủ Nhật Bản để tăng cường hỗ trợ cho các nạn nhân và các chính phủ trên toàn thế giới trong việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Các hoạt động của họ bao gồm ghi lại hàng nghìn lời khai của nhân chứng, ban hành các nghị quyết và lời kêu gọi công khai, gửi các phái đoàn hàng năm đến nhiều tổ chức quốc tế khác nhau, bao gồm cả Liên hợp quốc, để vận động cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Lời nhắc nhở từ quá khứ
Nihon Hidankyo đã đại diện cho những người ở Hiroshima hoặc Nagasaki vào thời điểm xảy ra vụ tấn công nguyên tử, cũng như những người khác sống gần đó bị ảnh hưởng bởi bức xạ và bụi phóng xạ hạt nhân từ hai quả bom. Mong muốn lớn nhất của tổ chức này là sẽ không một ai phải trải qua những điều từng xảy ra với họ. Nihon Hidankyo xứng đáng được quốc tế công nhận vì những đóng góp ấn tượng.
Tưởng niệm nạn nhân thảm họa ném bom nguyên tử ở Nagasaki (Ảnh: Wagingpeace)
"Những hibakusha giúp chúng ta mô tả điều không thể diễn tả, suy nghĩ những điều không thể nghĩ tới và bằng cách nào đó nắm bắt được nỗi đau, sự đau khổ không thể hiểu nổi do vũ khí hạt nhân gây ra" - Chủ tịch hiện tại của Ủy ban Nobel Na Uy, Jørgen Wayne Frydnes, đã phát biểu như vậy khi công bố những người nhận giải thưởng năm 2024 tại Oslo. Ông cho biết Ủy ban Giải thưởng Nobel "muốn vinh danh tất cả những người sống sót, những người bất chấp nỗi đau về thể xác và ký ức đau thương, đã chọn sử dụng kinh nghiệm đắt giá của mình để vun đắp hy vọng và cam kết vì hòa bình". Giải thưởng năm nay được trao trong bối cảnh các cuộc xung đột tàn khốc đang diễn ra trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông, Ukraine và Sudan.
Ông Tomoyuki Mimaki, giám đốc đại diện của Nihon Hidankyo, tham dự cuộc họp báo sau khi tổ chức này được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2024, tại Hiroshima, Nhật Bản (Ảnh: AFP)
Tổ chức Nihon Hidankyo từng được đề cử Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1985, 1994 và 2015. Vì thế, Chủ tịch Hidankyo Tomoyuki Mimaki đã reo hò và rơi nước mắt khi đang có mặt tại Tòa thị chính Hiroshima để nghe thông báo kết quả. Người đàn ông 82 tuổi này sẽ đến thăm mộ những người vận động đã qua đời để thông báo với họ thông tin tốt lành này.
Ông Mimaki nói thêm rằng, mỗi năm số người sống sót tham dự các sự kiện tưởng niệm thường niên ở Hiroshima và Nagasaki lại giảm đi, nhưng những người còn sống hy vọng họ có thể sống đủ lâu để chứng kiến vũ khí hạt nhân bị xóa bỏ. Bản thân ông không còn chắc mình có thể dự lễ tưởng niệm năm sau nữa không nên luôn cảm thấy thiếu thời gian.
- Giải thưởng Nobel có giải thưởng tiền mặt là 11 triệu kronor Thụy Điển (1 triệu USD).
- Không giống như các giải Nobel khác được lựa chọn và công bố tại Stockholm (Thụy Điển), người sáng lập Alfred Nobel đã ra sắc lệnh giải thưởng Hòa bình được Ủy ban Nobel Na Uy gồm năm thành viên quyết định và trao tại Oslo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!