Đồng hồ sinh học khiến con người có những thói quen sinh hoạt trong việc ngủ, thức dậy, ăn uống.... vào thời điểm nhất định trong ngày. Khi đột ngột có sự thay đổi do chênh lệch múi giờ, cơ thể bạn sẽ bị nhầm lẫn, rối loạn với lịch trình và môi trường mới.
"Jet lag" được xem là một phần không tránh khỏi với các chuyến bay dài, nhưng chuyên gia có một số gợi ý để cảm giác này trở nên bớt khó chịu hơn.
Nếu sự chênh lệch về múi giờ chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ thì việc điều chỉnh không quá phức tạp. Giải pháp được đề nghị là ngủ sớm hơn (hoặc muộn hơn) khoảng 30 phút trong 3 ngày trước lịch bay (tùy thuộc vào điểm đến) để cơ thể dần quen hơn.
Việc thay đổi đột ngột múi giờ giữa ngày và đêm, khiến cho bạn rất muốn tận hưởng một giấc ngủ sâu vào thời điểm ban ngày ở nơi đến. Dù mệt mỏi, hãy cố gắng ngủ giấc ngắn (khoảng dưới 30 phút) để có thể tận hưởng giấc ngủ trọn vẹn hơn, đúng lịch hơn khi đêm đến. Trong trường hợp này, cà phê có thể mang lại sự tỉnh táo nhưng không nên lạm dụng.
Trong ngày đầu tiên ở điểm đến mới, cố gắng vận động cơ thể để trở nên tỉnh táo, khỏe khoắn hơn. Việc thức dậy vào buổi sáng, đi bộ, hít thở bầu không khí mới mang lại sự phấn chấn, giúp cơ thể thích nghi nhanh hơn với môi trường. Hệ tiêu hóa cũng sớm ổn định, bình thường hơn.
Các loại thuốc an thần, giúp dễ ngủ được nhiều người sử dụng trong các chuyến bay đường dài để giải quyết tình trạng "jet lag". Tuy nhiên đây là cách có thể phản tác dụng, dẫn đến việc buồn ngủ nghiêm trọng hơn, có cảm giác lú lẫn và mất phương hướng khi thức dậy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!