Giới sử học nước nhà vừa phải nói lời vĩnh biệt GS Phan Huy Lê - cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại.
84 năm cuộc đời với hơn 60 năm cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu, ông đã được nhận những danh hiệu cao quý nhất: Nhà giáo nhân dân, Giải thưởng nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Ông đã trở thành một tấm gương mẫu mực của một nhà sử học chân chính. Sự ra đi của ông là mất mát lớn cho nền sử học nước nhà.
Trong sự nghiệp của mình, GS Phan Huy Lê đã để lại khoảng 450 đầu sách và công trình khoa học. Từ rất sớm, ông đã giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới, được giới khoa học quốc tế tôn vinh. Quan trọng hơn cả, ông trở thành ngọn cờ tập hợp giới sử học nước nhà trong ngôi nhà chung là Hội khoa học lịch sử Việt Nam, ngay từ những ngày đầu đổi mới đất nước.
Lịch sử không chỉ có chính trị, quân sự mà còn là văn hóa, kinh tế, xã hội. Quan điểm tiếp cận toàn diện và đổi mới ấy của GS Phan Huy Lê đã tạo ra một cuộc cách mạng trong giới nghiên cứu sử học nước nhà. chính ông tiên phong mở ra những ngành khoa học mới là Việt Nam học, rồi Đông Phương học. Ông còn tiên phong đưa khoa học công nghệ vào nghiên cứu lịch sử, ngay cả khi đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Nhân cách lớn ấy, tài năng lớn ấy in dấu ấn mạnh mẽ trong lòng hàng ngàn học trò mà GS đã đào tạo, nay trở thành những nhà khoa học uy tín của đất nước.
Bộ quốc sử - công trình để đời viết lại toàn bộ lịch sử nước nhà mà GS Phan Huy Lê làm chủ biên chưa kịp ra mắt. Một cây lớn nằm xuống, cả khoảng trời trống vắng. Những gì ông làm còn dang dở, sẽ được tiếp nối bởi nhiều thế hệ học trò thành đạt. Có lẽ đó chính là điều lớn nhất mà GS Phan Huy Lê để lại cho đời, cho đất nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!