Khả năng bị chấn thương phần xương đầu gối sẽ tăng 25% khi chúng ta mang giày cao gót và mang giày càng cao thì độ tổn thương sẽ càng cao, ngoài ra còn nhiều tác hại khác nữa.
Việc đi giày cao gót từ lâu đã được xem là cách để phái đẹp thể hiện sự tự tin vì tạo cảm giác cao hơn cho người sử dụng. Đây là một lợi thế rất đáng giá, đặc biệt với những bạn gái có chiều cao khiêm tốn. Nhưng khi đi giày cao gót, gót chân luôn ở vị trí cao hơn đáng kể so với mũi bàn chân, do đó luôn phải trực tiếp chịu sức nặng của cơ thể. Mô mềm gan bàn chân không chịu được tải trọng quá lớn dẫn đến tình trạng bị chấn thương kéo dài.
Khi đi giày cao gót lâu ngày, các khớp phải làm việc liên tục trong khi diện tiếp xúc ít dẫn tới tình trạng khớp bị lỏng lẻo và thoái hóa sớm nên thường gặp hiện tượng đau, mỏi gối và mỏi chân.
Khi đi giày cao gót có mũi nhọn, các ngón chân bị chèn ép và cọ xát liên tục, do đó ở các vị trí tiếp xúc giữa ngón chân với giày, da có thể bị đỏ, rộp, trầy xước. Lâu ngày, vùng da bị tổn thương không còn mềm mại mà trở thành các vết chai dày, cứng. Các vết chai thường gặp ở gót chân, các ngón chân, nơi tiếp xúc trực tiếp với giày. Mặc dù có những điểm lợi và hại nhưng nếu chú ý đến vấn đề sức khỏe, phụ nữ có thể yên tâm chọn những kiểu giày phù hợp để trở nên thanh lịch trong đời sống hằng ngày.
Để hạn chế bớt các tác hại của giày cao gót với sức khỏe đôi chân, bạn nên hạn chế tối đa việc đi giày quá cao. Chị em chỉ nên đi giày cao gót trong thời gian ngắn vào các dịp lễ hội, tiếp đón chính thức, long trọng, đi đường. Còn khi đến cơ quan làm việc, bạn nên đi giày mềm hay dép. Bạn không nên chọn giày quá chật, mà có độ ôm vừa phải, được làm từ các chất liệu tự nhiên, mềm mại để không gây cọ xát và kích ứng cho da vùng bàn chân. Phần đế giày không quá nhọn và dốc so với mũi giày. Chiều cao thích hợp của đế giày là từ 2 - 4cm, đường kính 3 - 5cm.