GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam

Thu Trang - Ảnh: Trần Tiến Dũng-Thứ hai, ngày 23/12/2024 12:06 GMT+7

VTV.vn - GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vinh dự nhận giải thưởng Ramon Magsaysay tại Nhà hát Metropolitan, Thủ đô Manila của Philippines.

Đây được coi như giải "Nobel châu Á". Hội đồng giải thưởng cho rằng, hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam của bà là lời cảnh báo cho thế giới, đừng để xảy ra chiến tranh vì hậu quả bi thảm của nó sẽ kéo dài đến các thế hệ tương lai. PV VTV Times vừa có cuộc trò chuyện với bà.

Thưa bà, được biết trong rất nhiều năm qua, bà miệt mài đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Khi đứng trên bục nhận giải thưởng Ramon Magsaysay ở tuổi 80, cảm xúc của bà thế nào?

Tôi rất vui vì những việc mình làm thầm lặng trong hơn 50 năm nay đã được ghi nhận, được quốc tế biết đến. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất là các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã nhận được sự đồng cảm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở toàn châu Á và nhiều nước khác trên thế giới. Từ nay, đời sống của họ sẽ được cải thiện tốt hơn. 

Nhìn lại hành trình gần 50 năm đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, theo bà, bước ngoặt nào có ảnh hưởng sâu sắc nhất?

Bước ngoặt đầu tiên là khi tôi tìm được tài liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ xuất bản năm 1974 nói về vấn đề rải chất độc hóa học ở Việt Nam, đặc biệt là chất độc da cam, trong đó có chất dioxin từ năm 1965 trở đi. Tôi so sánh với tỷ lệ trẻ khuyết tật bẩm sinh và thai chết lưu tăng mỗi năm thì gần như tỷ lệ thuận với lượng chất độc đã rải ở Việt Nam. Phát hiện đó đã  thúc đẩy tôi tìm tòi, nghiên cứu để tìm câu trả lời xem, có đúng là chất độc da cam/dioxin đã gây ra những dị tật cho thai nhi hay không. Kết quả là tôi đã chứng minh được mối liên hệ giữa phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin với sinh con khuyết tật bẩm sinh và các bất thường khác như sảy thai, thai trứng…

Cột mốc thứ 2 là vào năm 2007, tôi có cơ hội tham dự đại hội của Hiệp hội Y tế công cộng Hoa Kỳ (American Public Health Association). Hiệp hội này có hơn 14 nghìn thành viên là các nhà nghiên cứu cấp cao, những người nổi tiếng ở Mỹ. Hội này có tiếng nói rất lớn trong việc đưa ra quyết định xem một công trình nghiên cứu có giá trị hay không. Chuyến đi đó rất vất vả vì 14 nghìn thành viên không thể họp cùng một chỗ mà phải chia ra nhiều nhóm, ở các khách sạn khác nhau. Trong suốt một tuần ròng rã, tôi chạy từ 5h sáng hết khách sạn này đến khách sạn khác để trình bày về nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Đến ngày cuối thì đại hội mới họp phiên toàn thể và đưa vấn đề này ra thảo luận. Cuối cùng, Hiệp hội Y tế công cộng của Hoa Kỳ cũng thông qua chính sách nói về trách nhiệm của Chính phủ và các công ty hóa chất của Hoa Kỳ đã sản xuất ra chất độc hóa học, cung cấp cho quân đội Mỹ để rải ở Việt Nam. 

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 1.

GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng

Những thách thức lớn nhất mà bà phải đối mặt trên hành trình này là gì?

Phải nói là rất nhiều thách thức. Thời gian đầu, mọi người tin rằng, những gia đình sinh con khuyết tật không phải do chất độc dioxin mà vì họ làm nhiều điều ác nên bị trời phạt. Những quan niệm như vậy càng khiến cho gia đình các nạn nhân thêm đau khổ. Chúng tôi đã phải cố gắng tìm đủ mọi biện pháp để tuyên truyền, giải thích nhằm xóa bỏ những suy nghĩ ấy. 

Đó là những thách thức trong nước, còn thách thức bên ngoài thì rất lớn. Mỗi khi tôi đi trình bày ở các hội nghị quốc tế về tác hại của chất độc dioxin đối với sức khỏe con người nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng thì các công ty hóa chất lớn của Mỹ đều đưa đến rất nhiều luật sư, nhiều nhà khoa học hàng đầu để chất vấn, đặt câu hỏi. Tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của họ còn mình lại là người Việt Nam nên ít nhiều vẫn có những hạn chế về mặt ngôn ngữ. 

Từng tham gia 2 phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào năm 2008 và 2010 để đòi lại công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, và tham dự Tòa án lương tâm quốc tế năm 2009 tại Paris để tố cáo các công ty hóa chất Mỹ. Bà thấy cộng đồng quốc tế phản ứng như thế nào trước nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này?

Tại 2 phiên điều trần, đại diện chính phủ Mỹ phủ nhận hoàn toàn những tác hại của chất độc da cam/dioxin lên sức khỏe con người cũng như sức khỏe sinh sản ở Việt Nam. Họ từ chối trách nhiệm pháp lý. Ở Tòa án Lương tâm quốc tế Paris thì mọi việc thuận lợi hơn, họ chấp nhận ngay những vấn đề mà tôi đưa ra. Các nghiên cứu của tôi và nhiều nhà khoa học khác trên thế giới là một minh chứng rõ nét nhất. Đặc biệt là sau năm 1997, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nghiên cứu về ung thư trên toàn cầu đã xác nhận, dioxin là chất gây ra khuyết tật, ung thư và hủy diệt môi trường. 

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người trực tiếp có mặt trong kíp mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức năm 1988, động viên Nguyễn Đức trong buổi giao lưu chiếu bộ phim 'Dearest Viet' - phim tài liệu dành tặng anh trai Nguyễn Việt đang ở cõi vĩnh hằng trong Liên hoan phim quốc tế TP.Hồ Chí Minh (HIFF) 2024.

Lý do gì khiến bà quyết định tặng toàn bộ tiền thưởng (50.000 USD) cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin?

Tôi đã nghiên cứu về nạn nhân chất độc da cam và cũng đã hỗ trợ các nạn nhân từ rất lâu rồi, theo khả năng của mình. Khi nhận được tiền thưởng, điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là sẽ gửi tặng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đồng thời cũng trích một phần nhỏ gửi tặng Quỹ Vì người nghèo TP Hồ Chí Minh. 

Có kỷ niệm khó quên nào khi bà làm việc với gia đình các nạn nhân chất độc da cam/dioxin?

Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã đi gần như khắp cả nước, đặc biệt là các tỉnh ở Tây Nguyên như: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk; các tỉnh miền Tây: Cà Mau, Bến Tre… Ban đầu họ rất mặc cảm nên mình phải giải thích cho gia đình và cộng đồng xung quanh hiểu để thoát khỏi những định kiến. 

Một kỷ niệm cũng rất đặc biệt với gia đình cặp song sinh Việt - Đức (Cặp song sinh dính liền đầu tiên tại Việt Nam được phẫu thuật tách rời. Chào đời tại Kon Tum vào năm 1981, do bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nên khi sinh ra, hai bé đã bị dính liền phần ngực, bụng, bộ phận sinh dục, hậu môn, có hai chân và một chân cụt - P.V), ở lần sinh nở đầu tiên, người mẹ sinh con gái hoàn toàn bình thường. Nhưng đến năm 1976 khi gia đình chuyển lên xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum sinh sống, đó là nơi bị máy bay Mỹ rải chất độc hóa học rất nhiều, người mẹ đã bị phơi nhiễm trước khi mang thai Việt - Đức. 

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 3.

Bs Phượng thăm 2 mẹ con sản phụ tại Bv Mỹ Đức, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh

Sau khi sinh xong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã chuyển 2 cháu ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Năm 1983, Thứ trưởng Bộ Y tế lúc đó là Giáo sư Hoàng Đình Cầu, đã quyết định chuyển hai cháu vào Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) để chúng tôi nuôi. Năm 1986, chúng tôi đã quyết định mổ tách rời Việt và Đức. Sự kiện này đã nhận được sự quan tâm ủng hộ rất lớn của người dân TP Hồ Chí Minh. Từ ngày tiến hành ca mổ cho đến cả tháng sau đó, mọi người ồ ạt đến bệnh viện, gửi tặng rất nhiều quà đến mức chúng tôi phải lập một nhóm riêng chỉ để nhận quà và có cuốn sổ ghi rõ ràng, đâu là quà cho nhóm bác sĩ mổ, đâu là quà cho anh em Việt - Đức và quà cho bệnh viện để sử dụng đúng mục đích. Từ đó Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin đã được thành lập và cũng quyên góp được khá nhiều tiền để chung tay cùng Nhà nước chăm lo đời sống cho các nạn nhân.

Nhìn lại sự nghiệp đáng ngưỡng mộ của mình, còn điều gì bà tiếc nuối hoặc mong muốn được tiếp tục thực hiện?

Từ trước đến nay, trên cương vị là một bác sĩ, tôi luôn cố gắng giúp bệnh nhân hết sức mình nên không có gì để hối tiếc. Bên cạnh đó, tôi còn làm công tác giảng dạy tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Có nhiều bác sĩ giỏi từng là học trò của tôi, đó là điều khiến tôi rất vui và tự hào. Tôi mong các bác sĩ trẻ sau này bên cạnh việc học thật giỏi để điều trị tốt, không để xảy ra bất cứ sai sót nào, thì cũng cần thấu hiểu, đồng cảm với bệnh nhân. 

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam. Bà từng là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Viện trưởng Viện Tim TP Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là người đã khai sinh ra mô hình Cô đỡ thôn bản.

GS.BS Nguyễn Ngọc Phượng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân và Huân chương Lao động hạng 3. Bà là một trong 5 người được vinh danh tại giải thưởng Ramon Magsaysay 2024. Các đại diện còn lại đến từ các nước: Bhutan, Indonesia, Nhật Bản và Thái Lan.

Vì nạn nhân chất độc da cam: 'Xin đừng quên họ - Dù bạn có là ai!' Vì nạn nhân chất độc da cam: "Xin đừng quên họ - Dù bạn có là ai!"

VTV.vn - Ngày 10/8/1961 máy bay của không quân Mỹ bắt đầu rải chất độc, mở màn cuộc chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam. 63 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước